Lãnh đạo VNDirect: Chúng tôi mất nhiều khách hàng, sản phẩm T+0 còn phải đợi
Ngày 17/6, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã VND - HoSE) và CTCP Chứng khoán Thành Công (Mã TCI - HoSE) đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2024. Đây là những công ty gần như cuối cùng tổ chức ĐHCĐ tại nhóm chứng khoán.
Trong khi TCI tổ chức thành công Đại hội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thì ĐHCĐ VNDirect đã diễn ra bất thành do không đủ tỷ lệ cổ phần tham dự.
Tính đến thời điểm 14h20, dù ghi nhận tới 567 cổ đông tham dự trực tiếp và ủy quyền song tỷ lệ vốn có quyền biểu quyết chiếm chưa tới 50%. Theo đó, đây là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán (tháng 3/2010) công ty chứng khoán đầu ngành chứng kiến thực trạng trên.
Dù vậy, bên lề Đại hội, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương vẫn dành cho cổ đông những phần trả lời đáng chú ý.
Liên quan đến hệ thống công nghệ sau sự cố bị hacker quốc tế tấn công hồi cuối tháng 3, VNDirect mất ngay hơn 1% thị phần môi giới trên HoSE (còn hơn 7,5% và nhường lại vị trí thứ 2 cho TCBS). Công ty cũng giảm và tụt hạng trong Top thị phần trên sàn HNX, UPCoM và thị trường phái sinh.
Nguồn: HoSE |
Theo bà Phạm Minh Hương, hiện nay có ba đối tượng giao dịch chính bao gồm: Tổ chức, hegde fund (quỹ phòng hộ) nước ngoài; nhà đầu tư chuyên nghiệp/quỹ trong nước; nhà đầu tư cá nhân.
“Từ trước đến giờ, đối tượng nhà đầu tư cá nhân chiếm lớn trên nền tảng giao dịch. Chúng tôi nhận diện vòng đời (life cycle) của một khách hàng ở một công ty chứng khoán là 2 năm. Vì vậy, chúng tôi đánh giá và mong muốn có lựa chọn cho nhà đầu tư. Với nhà đầu tư cá nhân, không chỉ là giao dịch, công ty hướng đến xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đầu tư để nhà đầu tư lựa chọn, có hành trình để quản trị rủi ro tài sản”, Chủ tịch VNDirect chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Hương cũng đồng thời nhấn mạnh, chiến lược trên không mấy dễ dàng khi nhiều sản phẩm bị hạn chế, thiếu khung pháp lý.
"Với giao dịch, trong cả năm vừa qua, chúng tôi rất băn khoăn làm thế nào để cung cấp sản phẩm cho nhà đầu tư giao dịch chứng khoán bởi thị trường bây giờ không còn là câu chuyện margin mà còn liên quan đến việc vay cổ phiếu… Tuy nhiên, hệ thống KRX chưa được áp dụng. VNDirect là một công ty chứng khoán rất lớn nên không cho phép chúng tôi làm những cấu trúc tài chính mà đi ngược lại quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước", bà Hương nói.
Theo vị lãnh đạo, đây là lý do khiến VNDirect rút lại nhiều sản phẩm cấu trúc tài chính đã từng làm ở những năm trước kia.
"Ở mảng khách hàng giao dịch, chúng tôi bị mất khá nhiều khách hàng. Chúng tôi buộc phải lựa chọn vì rủi ro cơ chế, hiện nay luật pháp chưa rõ ràng, Ủy ban Chứng khoán cũng có trao đổi rất nhiều với ban lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, quy định hiện nay chưa đủ để cung cấp cấu trúc cho giao dịch chứng khoán ở mức nhu cầu của nhà đầu tư như T+0… Chúng tôi tin rằng khi thị trường được nâng hạng lên mới nổi, việc áp dụng pre-funding sẽ giúp giao dịch đầu tư thuận lợi hơn".
Liên quan đến hệ thống công nghệ và sự cố như vừa qua, bà Hương cho biết: "Khi rủi ro xảy ra thì mình mới hình dung nó là cái gì... Nói thật, hiểu biết của tôi về rủi ro trong kỷ nguyên số này hơi xa so với thực tế mà thế giới đang phải đối diện. Một điều rất may là chúng ta đã trải qua và vượt qua, cho nên đó là điều may mắn".
Góc nhìn của vị lãnh đạo này, việc VNDirect bị tấn công là một điều không may nhưng cũng là một điều may mắn bởi đây là tiếng chuông chánh niệm về tập trung nguồn lực đầu tư.
Trước đó, VNDirect tập trung nguồn lược đầu tư về nguồn lực hạ tầng để đảm bảo tốc độ của lệnh, các tính năng. Tức công ty đầu tư nhiều hơn vào tính năng của software nhiều hơn là hạ tầng, an ninh thông tin.
Khi xảy ra vụ VNDirect, công ty tham vấn được nhiều chuyên gia cao cấp để làm thế nào để bảo vệ hệ thống trong tương lai. Tuy nhiên, không chỉ là bảo vệ, đây là cuộc chiến không cân sức và việc chúng ta làm là xử lý nhanh nhất có thể.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn