Lấy ý kiến dự thảo nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch không ký quỹ 100%
Ngày 20/03/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định giao dịch chứng khoán.
Theo dự thảo, nhà đầu tư chứng khoán chỉ được đặt lệnh mua chứng khoán khi có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán, ngoại trừ các giao dịch ký quỹ; giao dịch của nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký về việc chấp nhận yêu cầu thanh toán của nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, Thông tư sửa đổi quy định được phép giao dịch không ký quỹ 100%.
Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch mua chứng khoán của mình trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có đủ tiền trong thời hạn trên, công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% có nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền của khách hàng. Trường hợp mất khả năng thanh toán, công ty chứng khoán sẽ bị xử lý vi phạm.
Ý kiến về dự thảo này, ông Cao Việt Hùng – Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, nếu dự thảo được thống nhất và ban hành sẽ có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán.
“Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% giao dịch và đây là một trong hai điểm nghẽn chính cần được tháo gỡ trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, công ty chứng khoán phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thanh toán trong trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thường có quy mô khá lớn nên điều này sẽ đặt áp lực lên các công ty chứng khoán trong việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp hơn và nguồn vốn lớn hơn.
“Các công ty chứng khoán có nguồn vốn dồi dào sẽ có lợi thế hơn trong việc lựa chọn các khách hàng tổ chức nước ngoài lớn”, chuyên gia của ACBS cho biết.
Các công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất tính đến 31/12/2023 bao gồm TCBS ( khoảng 23.600 tỷ đồng), SSI (23.200 tỷ đồng), VNDirect (16.500 tỷ đồng), VPBankS (16.400 tỷ đồng) và SHS (10.300 tỷ đồng).
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn