Gạo được tập kết vận chuyển bằng đường thủy để xuất khẩu. Ảnh: Sơn Nam |
Xuất khẩu phải đi đôi với đảm bảo an ninh lương thực trong nước
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt 7 triệu tấn gạo, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như thế nào là vấn đề được dư luận quan tâm.
Khi thế giới thiếu nguồn cung thì gạo Việt Nam đứng trước cơ hội "vàng" để tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn cần phải nâng cao tích trữ, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thế giới đang có nhu cầu cao, nhưng Việt Nam cũng không thể tăng diện tích gieo trồng lúa gạo mà chỉ gia tăng sản xuất, điều chỉnh mùa vụ để có sản lượng tốt, thu hoạch vào thời điểm mà thế giới khan hiếm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
"Năm 2024, diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam khoảng 7,1 triệu ha và sẽ đáp ứng xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn, nếu không có bất thường về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, chúng ta đang chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường và sẽ đáp ứng được lượng gạo mà thế giới cần. Do đó, ngành gạo Việt Nam sẵn sàng xuất khẩu cũng như đảm bảo an ninh lương thực trong nước” - ông Cường thông tin.
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo sang một số thị trường khu vực Âu Mỹ tăng đột biến trong những tháng đầu năm nay, đạt hơn 181.000 tấn, trị giá gần 136 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Việt Nam hướng tới trở thành nhà cung cấp gạo cao cấp, tập trung xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ các loại gạo thơm, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa.
Ông Nguyễn Như Cường cho biết, đơn vị sẽ thường xuyên nắm thông tin thị trường, nhu cầu về lúa gạo trong nước và trên thế giới để điều chỉnh lịch mùa vụ nhằm đảm bảo nguồn cung gạo của Việt Nam tốt nhất, trong thời điểm nhu cầu của các nước trên thế giới tăng.
Cùng với đó là áp dụng các giải pháp để giảm thấp nhất chi phí sản xuất, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Cục cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa thì Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo trong năm nay.
Tuy vậy, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam về sản xuất lúa gạo là rất lớn và chúng ta nên biết tận dụng cơ hội để tăng xuất khẩu. Tuy nhiên ngành lúa gạo Việt Nam vẫn phát triển theo kiểu "mạnh ai nấy làm", thiếu sự liên kết với nhau dẫn đến sản lượng gạo xuất khẩu tuy nhiều nhưng giá thành không cao.
Thực tế hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất, thu hoạch đến bảo quản và chế biến, trong khi phần lớn vẫn là mua bán kém bền vững.
Thu hoạch lúa chính vụ tại ĐBSCL. Ảnh: Sơn Nam |
Tại tỉnh Sóc Trăng, sản lượng lúa đạt 2,1 triệu tấn/năm, nhưng chỉ 17% diện tích canh tác lúa có liên kết theo chuỗi, phần còn lại chủ yếu qua thương lái. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết thương lái đóng vai trò quan trọng trong việc linh hoạt định giá, điều chuyển phương tiện vận chuyển và chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động với doanh nghiệp thu mua.
Điều này đòi hỏi cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt khi sản xuất lúa gạo hiện đang áp dụng giống chất lượng cao, quy trình canh tác tiên tiến và công nghệ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, Việt Nam muốn phát triển bền vững thì cần phải sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi. Đồng thời phải chú trọng chất lượng để vừa đáp ứng thị trường xuất khẩu vừa nâng tầm thương hiệu và giá trị của gạo Việt, kể cả khi thị trường thế giới phong phú cũng như khi thiếu hụt.
Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 40,28% diện tích lúa được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất. Trong đó, 12,1% tổng sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu; 37,5% thông qua hợp tác xã để phân phối lại cho doanh nghiệp; và 49,5% qua thương lái.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn Trần Minh Hải cho rằng, để thương lái có thể tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, họ cần có "giấy chứng nhận hành nghề", được đăng ký hành nghề và được xem là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. |
Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, việc liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo đã có những cải thiện đáng kể nhờ các chính sách khuyến khích của nhà nước. Tuy nhiên, quy mô liên kết vẫn còn hạn chế với diện tích, sản lượng và số hộ nông dân tham gia còn ít. Nhiều liên kết còn thiếu bền vững, thường thay đổi đối tác hoặc không thực hiện đúng hợp đồng.
Để hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, cần lưu ý đến vai trò của thương lái và đưa họ tham gia chính thức vào chuỗi liên kết từng địa phương. Chuỗi liên kết sẽ bao gồm doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đầu mối, hệ thống thương lái, môi giới trung gian, tổ khuyến nông cộng đồng, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương.
Trong vụ Hè Thu 2024, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long canh tác trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn phức tạp. Đây cũng là vụ đầu tiên một số địa phương triển khai thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Những cánh đồng liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP giữa doanh nghiệp và nhà nông đang liên tục mở rộng.
Mặc dù lạc quan với tiềm năng xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng các chuyên gia nhấn mạnh, ngành lúa gạo đang phải đối mặt nhiều thách thức như: Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ hè - thu năm 2024. Do đó, Việt Nam phải đảm bảo quy trình trồng lúa chất lượng, an toàn theo tiêu chuẩn đặt ra.
Theo ước tính, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Các chuyên gia dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. |