Liên minh châu Âu chính thức 'tuyên chiến' với thép HRC Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát và Formosa vào 'tầm ngắm'

Theo S&P Global, vào ngày 8/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm kim loại màu có xuất xứ từ các quốc gia như Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.

Thông báo được công bố trên Công báo của Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ rằng Liên đoàn Thép châu Âu (Eurofer) đã nộp đơn khiếu nại, cáo buộc rằng việc nhập khẩu một số sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ 4 quốc gia này đang bị bán phá giá, gây thiệt hại kinh tế cho khối.

Liên minh châu Âu chính thức 'tuyên chiến' với thép HRC Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát và Formosa vào 'tầm ngắm'
Thép HRC là nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ, ống thép, khung xe và sàn xe ô tô, nhà xưởng, máy móc...

"Bằng chứng do người khiếu nại cung cấp cho thấy khối lượng và/hoặc giá của sản phẩm nhập khẩu đang bị điều tra đã tác động tiêu cực đến số lượng bán ra, mức giá tính và thị phần mà ngành công nghiệp EU nắm giữ. Điều này tác động đáng kể đến hiệu suất chung, tình hình tài chính, và tình hình việc làm của ngành công nghiệp EU" - thông báo cho biết.

Eurofer cũng đã cung cấp bằng chứng cho thấy có thể có sự bóp méo nguyên liệu thô ở Ấn Độ và Việt Nam liên quan đến sản phẩm đang bị điều tra, dưới hình thức thuế xuất khẩu nguyên liệu thô. Cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc trong vòng 1 năm kể từ ngày công bố, với các biện pháp tạm thời được áp dụng chậm nhất là trong 8 tháng.

Tập đoàn Hòa Phát và Formosa vào "tầm ngắm"

Trước đó, vào ngày 30/7, Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương thông báo rằng EC đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu điều tra về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.

Đính kèm công hàm là danh sách 2 công ty sản xuất và xuất khẩu bị khiếu nại, gồm Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa (riêng Formosa có 3 công ty được xác định ở Hà Nội, TP. HCM và Hà Tĩnh). Đây là 2 doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có khả năng sản xuất HRC.

Hiện tại, châu Âu đang là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26%, ngang bằng với khu vực ASEAN; tiếp đến là Hoa Kỳ (13%) và Đài Loan (4%).

Liên minh châu Âu chính thức 'tuyên chiến' với thép HRC Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát và Formosa vào 'tầm ngắm'
Formosa Hà Tĩnh lỗ "đậm" do giảm giá để đáp trả HRC Trung Quốc và giữ thị phần

Việc điều tra chống bán phá giá mặt hàng này diễn ra trong bối cảnh Hòa Phát và Formosa cũng đang chịu sức ép lớn từ thị trường nội địa, khi bị HRC giá rẻ của Trung Quốc liên tục chiếm mất thị phần. Thép Formosa Hà Tĩnh đã lỗ 10 tỷ Đài tệ (7.832 tỷ đồng) vào năm 2022 và lỗ tiếp 20,1 tỷ Đài tệ (15.742 tỷ đồng) vào năm 2023 do tham gia "cuộc chiến" về giá.

Bản thân Hòa Phát cũng đang gia tăng áp lực khi dự án Hòa Phát Dung Quất 2 với tổng vốn 85.000 tỷ đồng, công suất 5,6 triệu tấn HRC, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn