Liên tục pha loãng cổ phiếu, kết quả kinh doanh APG chưa theo kịp tốc độ tăng vốn
Ngày 30/6 vừa qua, CTCP Chứng khoán APG (mã APG) đã tổ chức bất thành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 do không đủ túc số. Đại hội bất thành sau khi công ty chứng khoán (CTCK) này công bố kết quả kinh doanh quý 1 gây thất vọng.
Quý đầu năm, APG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm đến 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình, APG cho biết chủ yếu do lỗ bán các tài sản tài chính trong kỳ tăng và chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ giảm. Điều này phần nào cho thấy hoạt động tự doanh kém hiệu quả dù thị trường diễn biến khởi sắc.
Năm 2024, APG lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 390 tỷ và 239 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 43% so với thực hiện năm 2023. Đây là những con số tham vọng nhưng sau quý đầu năm CTCK này mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 3% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Kết quả này có thể khiến cổ đông APG đặt dấu hỏi về tính khả thi của bản kế hoạch kinh doanh.
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh ảm đạm, APG có nhiều kế hoạch phát hành lớn trong năm nay. Theo tài liệu ĐHĐCĐ được công bố, CTCK dự kiến trình kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 9% (tương đương phát hành hơn 20 triệu cổ phiếu mới). Năm 2024, cổ tức dự kiến tỷ lệ từ 5%.
Bên cạnh đó, APG cũng lên kế hoạch trình cổ đông thông qua một loạt phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong đó, CTCK này dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP, lượng cổ phiếu dự kiến hơn 11 triệu đơn vị, giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, HĐQT APG sẽ trình phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp, số lượng cổ phiếu phát hành thêm gần 224 triệu đơn vị, tỷ lệ phát hành 1:1. Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 2.236 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho hoạt động tự doanh (70%), còn lại bổ sung cho hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá (20%) và hoạt động môi giới (10%).
Ngoài ra, APG lên kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, lượng cổ phiếu chào bán tối đa 100 triệu đơn vị. Giá dự kiến 12.000 đồng/cp, thời gian chào bán trong năm 2024. Trường hợp chào bán thành công, số tiền dự kiến thu về là 1.200 tỷ đồng sẽ được phân bổ tỷ lệ tương tự như chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Nếu hoàn thành tất cả các phương án phát hành và chào bán cổ phiếu, vốn điều lệ APG dự kiến nâng lên gần 5.800 tỷ đồng. Tăng vốn là nhu cầu chính đáng đối với nhóm chứng khoán tuy nhiên không phải CTCK nào cũng sử dụng vốn hiệu quả.
Như trường hợp của APG, kể từ khi niêm yết năm 2010, CTCK này đã có 3 đợt chào bán cổ phiếu lớn vào năm 2010 (chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1), năm 2019 (chào bán riêng lẻ 20,5 triệu cổ phiếu) và đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2021 - đầu 2022 khi thị trường hừng hực khí thế trên đỉnh 1.500 với giao dịch rất sôi động (chào bán tổng cộng gần 180 triệu cổ phiếu bao gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ).
Tuy nhiên, sau khi chào bán cổ phiếu, kết quả kinh doanh của APG lại không tăng trưởng tương xứng. Chỉ duy nhất lần chào bán năm 2019, CTCK sử dụng vốn tương đối hiệu quả. Trong khi đó, năm 2011 và 2022, APG đều lỗ. Điều này khiến cổ đông lo ngại về rủi ro pha loãng sau các đợt chào bán cổ phiếu lớn của CTCK này.
Thêm nữa, việc dồn lượng lớn vốn dự kiến huy động được cho hoạt động tự doanh cũng khiến giới đầu tư "lăn tăn". Bởi, như đã đề cập ở trên, ngay trong giai đoạn thị trường thuận lợi như quý đầu năm nay, hoạt động tự doanh của APG vẫn kém hiệu quả. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công của các đợt tăng vốn sắp tới của CTCK này.
Theo kế hoạch, APG sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 lần thứ 2 vào ngày 21/7/2024, địa điểm tại tòa nhà 132 Mai Hắc Đế, Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Xem thêm tại cafef.vn