[LIVE] ĐHĐCĐ TCM: Thành Công không mua vải từ Trung Quốc, tăng cổ tức lên 15%
Sáng ngày 18/4, Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, trong bối cảnh các doanh nghiệp dệt may gặp thách thức mới từ thuế đối ứng của Mỹ.
Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 4.525 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận ròng kỳ vọng không thay đổi nhiều, ở mức gần 279 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Song Jae Ho cho biết nếu loại trừ phần lợi nhuận không cốt lõi thì công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 24%.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu tăng trưởng 8% và lợi nhuận tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng giám đốc Song Jae Ho phát biểu. Ảnh: HL.
Công ty định hướng vẫn tập trung vào dệt may là hoạt động kinh doanh cốt lõi và trọng yếu trong 5 năm tới; chuyển đổi dần đơn hàng FOB, CMPT sang đơn hàng ODM (Nhà sản xuất thiết kế gốc); tăng công suất mặt hàng vải dệt thông qua việc hợp tác cùng các đối tác hoặc mua lại;
Tập trung đầu tư các dự án bất động sản đang phát triển (Phát triển và bán hàng 100% dự án TC Tower); tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng phần đất còn lại của dự án tại KCN Hòa Phú - Vĩnh Long...
Nói về chiến tranh thương mại, CEO Song Jae Ho cho biết thị trường Mỹ đang chiếm 30% xuất khẩu công tytheo số liệu 2024, con số này đang thấp hơn so với các doanh nghiệp trong ngành và đang có mức độ an toàn nhất định.
Để có thể đối phó với vấn đề thuế quan, công ty cũng hướng tới tăng trưởng ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như mở rộng sang Canada và châu Âu.
"Tôi muốn giải thích thêm Thành Công có lợi thế về quy trình sản xuất khép kín. Hiện nay mối quan tâm chính của Mỹ là Trung Quốc. Họ đánh thuế Việt Nam vì muốn loại trừ sản phẩm có nguyên vật liệu và nguồn gốc từ Trung Quốc. Chúng tôi sản xuất từ sợi và tự sản xuất chứ không mua từ Trung Quốc", ông nói.

Nguồn: MH tổng hợp.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam năm ngoái, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 16,7 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023 và chiếm gần 38% tỷ trọng xuất khẩu.
Trong khi ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu tại Trung Quốc như vải (chiếm 2/3 lượng hàng nhập khẩu), các biến động từ nền kinh tế Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho toàn ngành.
Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng nói Thành Công có sự khác biệt khi chỉ nhập bông về để sản xuất sợi, nên gần như tự chủ được nguồn nguyên liệu; trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam khác phải mua vải từ Trung Quốc.
"Vải mua từ Việt Nam khác với vải mua từ Trung Quốc, nên cần có động thái kiểm soát chặt hơn nguồn gốc. Nếu tỷ lệ nội địa hóa cao thì có thể hưởng mức thuế thấp hơn, khi đó TCM sẽ có lợi thế vì nhu cầu mua vải trong nước tăng lên. TCM hiện có nhà máy sản xuất vải sợi", ông Tùng tự tin.
Vị này quan sát thấy khách hàng bắt đầu có dấu hiệu tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam, họ đã tìm đến vì nghĩ rằng cuộc chiến thuế quan Trung - Mỹ còn kéo dài.
Ngược lại TCM sẽ bị cạnh tranh ở các thị trường khác khi Trung Quốc đẩy hàng ra ngoài.

Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng phát biểu. Ảnh: HL.
Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.810 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 278 tỷ đồng, tăng 108% so với năm 2023.
Với kết quả đột biến, công ty quyết định tăng mức cổ tức từ 12% ban đầu lên 15%. Trong đó, công ty tạm ứng cổ tức tiền mặt 5% vào ngày 4/4 và chia thêm 10% bằng cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn quỹ đầu tư và phát triển.
Thành Công dự kiến phát hành thêm gần 10,2 triệu cổ phiếu mới (tổng giá trị theo mệnh giá gần 102 tỷ đồng). Dự kiến vốn điều lệ tăng lên 1.121 tỷ đồng. Thời điểm tăng vốn trong tháng 7-8 năm nay.
Kế hoạch cổ tức cho năm 2025 dự kiến duy trì ở mức 15%.
Tiếp tục cập nhật...
Xem thêm tại vietnambiz.vn