Không phụ thuộc vào Trung Quốc, công ty may quy mô gần 4.000 tỷ thông báo đã tránh được việc Mỹ hủy đơn hàng
Ngày 18/4, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đối mặt với những thách thức mới do chính sách thuế từ Mỹ.
Trong năm 2025, TCM đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt hơn 4.525 tỷ đồng, tăng 19% so với kết quả thực hiện năm trước. Lợi nhuận ròng dự kiến đạt gần 279 tỷ đồng, không thay đổi đáng kể so với năm 2024.
Tổng Giám đốc Song Jae Ho cho biết thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu của công ty, thấp hơn so với mặt bằng chung của ngành, nhờ đó giúp Thành Công duy trì được mức độ an toàn nhất định. Để thích ứng với tình hình thuế quan, công ty đang nỗ lực mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời tìm kiếm cơ hội tại Canada và châu Âu.
![]() |
Đại hội đồng cổ đông thường niên của TCM. Ảnh: vietstock.vn |
Ông Song nhấn mạnh rằng Thành Công có lợi thế ở chuỗi sản xuất khép kín. “Hiện nay mối quan tâm chính của Mỹ là Trung Quốc. Họ đánh thuế Việt Nam vì muốn loại trừ sản phẩm có nguyên vật liệu và nguồn gốc từ Trung Quốc. Chúng tôi sản xuất sợi và tự sản xuất chứ không mua từ Trung Quốc", ông nói.
Thực tế, phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc đáng kể vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, do đó, bất kỳ biến động nào từ nền kinh tế Trung Quốc đều ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào của ngành.
Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng chia sẻ rằng Thành Công khác biệt nhờ tự chủ nguyên liệu, chỉ nhập khẩu bông để sản xuất sợi. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành phải nhập vải từ Trung Quốc.
"Vải mua từ Việt Nam khác với vải mua từ Trung Quốc, nên cần có động thái kiểm soát chặt hơn nguồn gốc. Nếu tỷ lệ nội địa hóa cao thì có thể hưởng mức thuế thấp hơn, khi đó TCM sẽ có lợi thế vì nhu cầu mua vải trong nước tăng lên. TCM hiện có nhà máy sản xuất vải sợi", ông Tùng khẳng định.
Ông Tùng cho biết thêm, hiện nhiều khách hàng đang chủ động tìm kiếm nhà cung ứng từ Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Tùng tiết lộ rằng vào đầu tháng 4, một số khách hàng từng cân nhắc việc hủy đơn hàng, nhưng đã thay đổi quyết định sau khi Việt Nam được tạm hoãn áp thuế và bắt đầu đàm phán thương mại.
Thậm chí, công ty đang phải tăng công suất để kịp giao hàng trong thời gian hưởng lợi từ chính sách hoãn thuế. Thành Công cũng cho biết sẽ chia sẻ một phần chi phí với đối tác khi hàng hóa bị áp thuế.
Ông Song Jae Ho cho biết sau khi thông tin áp thuế 46% được đưa ra ngày 2/4, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc đàm phán, giúp tình hình tạm ổn định trở lại. Các đối tác Mỹ cũng không còn phản ứng mạnh, đơn hàng vẫn được giữ nguyên, khác với lo sợ trước đó.
Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện khá ổn định, mang lại hy vọng đạt được mục tiêu năm nay. Dù thị trường châu Âu đang gặp nhiều khó khăn, công ty vẫn tập trung tìm kiếm khách hàng mới để mở rộng thị phần.
Được thành lập vào ngày 16/8/1976, Nhà máy dệt Thành Công trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp Dệt – Bộ Công nghiệp nhẹ đã không ngừng lớn mạnh và phát triển.
Trải qua nhiều lần cải cách nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và thích ứng với sự thay đổi của thị trường, vào năm 2006, công ty tiến hành cổ phần hoá và sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công với mã chứng khoán là TCM. Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của công ty đã lên tới 3.895 tỷ đồng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn