[LIVE] VN-Index bị thổi bay hơn 48 điểm, 128 mã cổ phiếu giảm sàn

14h45: Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chao đảo cùng với biến động của chứng khoán châu Á, VN-Index kết phiên giảm về mốc 1.188 (tương ứng giảm hơn 48 điểm). Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của thị trường trong vòng 4 tháng qua.

Thanh khoản gia tăng đột biến trước áp lực bán dâng cao, đạt hơn 23.700 tỷ đồng, tăng 26% so với phiên trước cùng thời điểm.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón đều chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm tương đối mạnh. Trong đó có 128 mã giảm sàn với nhiều cái tên nổi bật như NKG, VND, DXG, GVR, CTD, CII, VCG…

Xét về mức độ đóng góp, sắc xanh le lói ở các cổ phiếu EIB, BSI, HNA… giúp thị trường có lực chống đỡ trong khi các mã bluechips như VCB, BID, GVR, TCB…là các nhân tố gây sức ép lên thị trường.

Khối ngoại có phiên bán ròng hơn 750 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu danh sách là HPG, FPT, MWG, STB… trong khi mạnh tay mua ròng VNM, VCB, HVN…

13h05: Mở phiên chiều, áp lực bán dâng cao, VN-Index tiếp tục cắm đầu giảm 41 điểm, thủng mốc 1.200.

Loạt cổ phiếu bất động sản, thép giảm sàn như PDR, QCG, NRC, SMC, TLH… Trong khi đó, EIB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất giữ được sắc xanh khi tăng 1,4%.

11h30: Áp lực bán dâng cao đưa loạt cổ phiếu lùi về mức thấp trong phiên, VN-Index “bốc hơi” gần 25 điểm về mốc 1.212. Thanh khoản thị trường đạt gần 6.600 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch của phiên trước cùng thời điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện với 535 mã giảm lấn át 141 mã tăng.

Nhóm VN30 tiếp tục gây sức ép lên chỉ số khi đồng loạt cổ phiếu giảm điểm, trong đó TCB (-3,4%), BID (-2%), CTG (-2,9%), VCB (-1%)....

Xét về nhóm ngành, các nhóm thép, thủy sản, tiêu dùng, hóa chất đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, bất động sản có mức giảm mạnh nhất với tỷ lệ 2,5%. Đáng chú ý là PDR (-5,8%), DIG (-4,6%), CEO (-4%), DXG (-3%)...

Trong đó, cổ phiếu họ “Vin” ghi nhận diễn biến không mấy khả quan khi VRE giảm hơn 2% và tiệm cận về vùng đáy lịch sử; VHM, LDG mới thủng đáy lịch sử và giao dịch ở vùng giá thấp nhất.

Ở diễn biến liên quan, thị trường chứng khoán trên thế giới đang lao dốc trước nhiều thông tin tác động, trong đó Nikkei 225 Index của Nhật Bản đang giảm hơn 3.000 điểm (-8%) về 32.885 điểm, KOSPI của Hàn Quốc giảm 100 điểm về 2.646.

10h45: Sự phục hồi của một vài cổ phiếu như EIB, FTS, GEX giúp thu hẹp đà giảm của chỉ số. VN-Index rút chân giảm 17 điểm về mốc 1.218. Thanh khoản trên HoSE đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, tương đương với con số ghi nhận phiên trước đó cho thấy áp lực bán vẫn đang được kiểm soát.

Thị trường có 17/24 nhóm ngành giảm giá trong đó nhóm bất động sản giảm (-1,72%), tài chính (-1,5%), vận tải (-1%)...

Trong nhóm ngân hàng, EIB đang là tâm điểm khi tăng 3,6% giúp thu hẹp đà giảm của chỉ số. Được biết, Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Tập đoàn GELEX được mua cổ phần của Eximbank. Sau khi giao dịch hoàn tất, GELEX sẽ trở thành cổ đông lớn của nhà băng này. Cũng theo thông tin nay, cổ phiếu GEX ghi nhận mức tăng hơn 1%.

Nhiều cổ phiếu nhóm dầu khí có mức tăng tốt như OIL (+2,1%), BSR (+1,8%), PXL (+1,6%)...Ngoài ra, mã KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV khi nhận phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp sau khi công bố kết quả kinh doanh tích cực, mang về hơn 100.000 tỷ đồng doanh thu trong 7 tháng.

9h30: Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch đầy biến động theo chiều tiêu cực và hồi phục vào phiên cuối tuần đưa chỉ số đóng cửa tại 1.236,6 điểm.

Ngay khi mở phiên sáng ngày 5/8, VN-Index giảm mạnh 17 điểm về mốc 1.219. Lực cầu gia tăng đưa chỉ số tăng gần 5 điểm lên mức 1.255. Chỉ số có thời điểm lùi về mốc 1.213 (giảm 23 điểm) sau đó rút chân về mốc 1.215 điểm nhờ sự phục hồi của một vài cổ phiếu như LPB, GEX…

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện với 418 mã giảm lấn át 90 mã tăng giá. Nhóm VN30 tiếp tục gây sức ép lên chỉ số khi ghi nhận 30 mã đều giảm điểm từ 1-3%, nổi bật là TCB, BID, CTG, VIC… Đáng chú ý, VRE giảm hơn 1,6% đưa thị giá tiệm cận vùng đáy lịch sử.

VN-Index giảm 21 điểm, một cổ phiếu VN30 'trượt' về đáy lịch sử
VN-Index giảm 21 điểm về mốc 1.215

Trong nhóm chứng khoán, một vài mã vẫn ghi nhận sắc xanh trên 1% như FTS, BSI, APG trong khi các cổ phiếu còn lại có mức giảm từ 1-4%.

Tại nhóm tiêu dùng, cổ phiếu GEX có mức tăng nhẹ gần 1% sau thông tin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Tập đoàn được mua cổ phần của Eximbank. Sau khi giao dịch hoàn tất, GELEX sẽ trở thành cổ đông lớn của nhà băng này.

Ở diễn biến liên quan, thế giới tiếp tục đón nhận nhiều thông tin tiêu cực tác động. Đặc biệt là cuộc chiến ở dải Gaza tiếp tục nóng lên sau khi thủ lĩnh Hamas bị ám sát. Điều này sẽ khiến căng thẳng leo thang trong khu vực Trung Đông, có thể đẩy Iran và Israel vào xung đột trực tiếp nếu Tehran quyết định hành động quân sự để trả đũa.

Bên cạnh đó, tại thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận giao dịch không mấy khả quan khi lao dốc mạnh nhất từ năm 2020, Nikkei 225 có lúc giảm tới 5%.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn