[LIVE] VN-Index chưa thoát thế giằng co, cổ phiếu thép ‘gặp nạn’

13h45: VN-Index tiếp tục giằng co trong phiên độ hẹp, chỉ số có thời điểm giảm gần 7 điểm sau đó thu hẹp nhờ sự phục hồi của nhóm Midcap. VN-Index giảm hơn 3 điểm về mốc 1.227. Thanh khoản duy trì ở mức thấp, đạt gần 7.000 tỷ đồng, giảm 16% so với thời điểm phiên trước cho thấy áp lực bán vẫn đang được kiểm soát.

Loạt cổ phiếu thép, công nghệ thông tin, tiêu dùng chìm trong sắc đỏ với mức giảm từ 1-3% như NKG (-2,2%), HSG (-2,7%), MWG (-1,8%), FPT (-0,7%)...

Đáng chú ý, ngành thép đang phải đối mặt với khó khăn liên tiếp, đặc biệt khi Trung Quốc đang phát ra nhiều dấu hiệu cảnh báo về tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài không có dấu hiệu kết thúc, trong khi hoạt động của nhà máy vẫn ở mức thấp.

Nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - Baowu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng trong ngành thép tại Trung Quốc có khả năng lan rộng ra toàn cầu và đẩy ngành này vào suy thoái sâu hơn.

Sự phân hóa diễn ra ở nhóm bất động sản và ngân hàng, trong khi VHM, HDB, VCB có mức tăng tích cực giúp thu hẹp đà giảm của thị trường thì TCB, CTG tiếp tục gây sức ép lên chỉ số.

Nhiều cổ phiếu đầu tư công bật tăng tốt như HHV (+3,6%), LCG (+1,9%), KSB (+1,1%)... sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực để kích hoạt đầu tư công.

9h30: VN-Index chưa thoát thế giằng co khi thiếu đi lực nâng đỡ, chỉ số giảm hơn 1 điểm về mốc 1.229. Tâm lý thận trọng bao trùm toàn thị trường trong phiên đáo hạn phái sinh.

Nhóm VN30 tiếp tục “co kéo” gây sức ép lên chỉ số khi các mã như GVR, CTG, MWG kéo giảm điểm thị trường. Ngược lại, HDB đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với mức tăng hơn 2,8%, đưa cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử.

Toàn thị trường có 18/24 nhóm ngành giảm điểm, trong đó công nghệ thông tin (-2%), năng lượng (-1,2%), bất động sản (-0,2%)...

Ở diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng yếu nhất kể từ tháng 3/2021.

CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,2% so với năm trước và tăng 0,2% so với tháng 6, đúng như dự đoán.

Chi phí liên quan đến nhà ở tăng 0,4% và chiếm 90% nguyên nhân khiến lạm phát đi lên. Giá thực phẩm tăng 0,2% trong khi giá năng lượng không đổi. Giá trứng tăng 5,5%, ngũ cốc và các sản phẩm bánh mì giảm 0,5% trong khi sữa và các sản phẩm sữa giảm 0,2%.

Với báo cáo lạm phát tháng 7 tích cực, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 9.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn