Quý IV sụt giảm, Thép Nam Kim vẫn vượt mục tiêu lợi nhuận năm 2024

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) mới đây đã công bố BCTC quý IV/2024 với doanh thu thuần đạt 4.469 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái do công ty đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 134%, lên 102 tỷ đồng. Về chi phí, chi phí tài chính tăng 90% lên đến 168 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng và biến động tỷ giá khi doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng là 192 tỷ đồng và 27 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Nhờ giá vốn giảm nhẹ còn 4.168 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng 10,1%, đạt 301 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện từ 6,1% lên 6,7%.

Kết quý, lợi nhuận sau thuế của NKG giảm 18%, chỉ còn 18 tỷ đồng trong quý IV/2024.

Luỹ kế cả năm 2024, doanh thu thuần của Nam Kim đạt 20.609 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Dù lợi nhuận quý cuối năm giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế cả năm của NKG vẫn tăng mạnh 286%, đạt 453 tỷ đồng.

Được biết năm 2024, NKG đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 420 tỷ đồng. Với lãi trước thuế cả năm 2024 đạt 558 tỷ đồng, công ty đã vượt 33% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của NKG đạt 13.519 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với hồi đầu năm. NKG hiện vẫn còn 7.648 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 12% so với đầu năm.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán SSI đánh giá nhu cầu thép xây dựng của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã tăng khoảng 12% svck đạt 10,9 triệu tấn trong 11 tháng 2024, trong khi nhu cầu thép mạ kẽm tăng với tốc độ cao hơn, đạt 5,05 triệu tấn (tăng 32,8% svck), nhờ kênh xuất khẩu tăng vọt 43% svck. Mảng thép ống khá ổn định với mức tăng trung bình là 4,8%. Trong khi đó, sản lượng HRC duy trì ổn định, khi doanh số nội địa phục hồi 28% đã bù đắp cho mức giảm 31% trong kênh xuất khẩu

Sang năm 2025, SSI dự kiến nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10%, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023). Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn bao gồm các tuyến cao tốc (cả Bắc Nam, và cả Đông-Tây để kết nối tốt hơn), các sân bay và cảng biển (như Cần Giờ ở TP. HCM và cảng Nam Đồ Sơn ở Hải Phòng) và đường sắt. Theo đó, các công ty thép nhìn chung sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025.

Riêng với NKG, Công ty chứng khoán SSI dự phóng lợi nhuận công ty sẽ đi ngang do phụ thuộc nhiều hơn vào kênh xuất khẩu và mức nền lợi nhuận cao trong năm 2024.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán FPTS cũng đánh giá kết quả kinh doanh của NKG cùng HPG, HSG, GDA, SMC, TIS, TLH và VGS sẽ tăng trưởng tích cực. Theo đó, tổng doanh thu thuần của nhóm doanh nghiệp này trong năm 2025 được dự phóng ở mức 301.400 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2024. Sản lượng bán hàng toàn ngành dự báo hồi phục 8,1% và giá bán nội địa trung bình cả năm tăng dao động từ 5,5% đến 8,5% tùy mặt hàng.

Tổng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của nhóm doanh nghiệp năm 2025 dự phóng ở mức 19.200 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2024. Mức dự phóng dựa trên luận điểm biên lợi nhuận gộp trung bình của nhóm doanh nghiệp năm 2025 đạt 14,1%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/01, cổ phiếu NKG giảm 1,48%, còn 13.300 đồng/cp.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn