Lộ diện 5 cổ phiếu ngân hàng được các công ty chứng khoán khuyến nghị MUA nhiều nhất
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện bước vào một nhịp điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên dự báo VN-Index sẽ phục hồi nhanh chóng, có thể đạt mức 1.700 điểm vào cuối năm 2024 theo kịch bản Pyn Elite. Shinhan Việt Nam cũng dự đoán tương tự, họ cho rằng chỉ số có thể lên 1.340-1.390 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn được đánh giá cao trên thị trường bởi mức định giá thấp, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội sinh lời lớn. Shinhan Việt Nam cho biết, P/B của các cổ phiếu ngân hàng trên HoSE ở mức 1,55 lần, dưới mức P/B trung bình 5 năm là mức định giá rẻ so với thị trường.
Thêm vào đó, mức tăng trưởng tín dụng với mục tiêu 15% được Quốc hội thông qua, được các chuyên gia dự báo khả quan hơn trong nửa cuối khi mà bất động sản ấm lên và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận quý II/2024, MBS Research cho rằng lợi nhuận các ngân hàng trong quý II/2024 sẽ có sự phân hóa. Trong đó, MBS Research chỉ ra mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank (LPB), VPBank (VPB), HDBank (HDB)…
Thêm vào đó, các chuyên gia nhận định nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II/2024. Điều này làm tăng chi phí trích lập dự phòng của một số ngân hàng. MBS Research nhận định nợ xấu (NPL) tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm là xu hướng chung toàn ngành.
Ngoài ra, các yếu tố về chiến lược tăng trưởng hướng tới từng phân khúc khách hàng của các nhà băng cũng là một trong những yếu tố then chốt phân hóa lợi nhuận nhóm ngân hàng.
Do đó, từ đầu năm tới nay các công ty chứng khoán đã đánh giá và đưa ra các lời khuyến nghị cho nhà đầu tư về những cổ phiếu tiềm năng nhất trong ngành ngân hàng.
Thống kê các báo cáo khuyến nghị 3 tháng gần nhất của các công ty chứng khoán cho thấy, có 5 cổ phiếu thường xuyên được “gọi tên”, khuyến nghị MUA với tiềm năng sinh lời cao, bao gồm: HDB, ACB, CTG, TPB, VCB.
Tiềm năng tăng giá của các cổ phiếu này giao động từ khoảng 15-40% đến cuối năm 2024. Đây là mức tăng đem lại mức sinh lời ấn tượng cho các nhà đầu tư.
HDB được khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng giá cao nhất gần 37%
HDB là một trong số các cổ phiếu ngân hàng các công ty chứng khoán được “gọi tên” nhiều nhất. Đặc biệt, MBS Research kỳ vọng giá mục tiêu của HDB đạt 29.400 đồng/cổ phiếu, tăng gần 37%.
Cùng chung nhận định, Shinhan Securities cũng cho rằng giá tiềm năng của HDB sẽ ở mức 28.900 đồng/cổ phiếu trong năm. Còn chuyên gia nhà SSI Research nhận định HDB có thể cán mốc 29.000 đồng/cổ phiếu.
MBS Research khuyến nghị HDB vì ngân hàng HDBank đang hướng tới hệ sinh thái phát triển toàn diện; chất lượng tài sản tốt hơn so với các ngân hàng có cùng khẩu vị rủi ro cao khác; hạn mức tăng trưởng tín dụng có thể đạt 23% trong năm nay.
MBS Research dự báo HDBank sẽ ghi nhận 28.521 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong năm nay, tăng 28,57% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế được dự báo đạt 16.883 tỷ đồng vào năm 2024, cao hơn 29,7% so với năm trước.
Dựa trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đạt 23% trong năm 2024 và 21% trong 2025 và NIM sẽ được duy trì quanh mức 4,9%, tương đương cao hơn so với 2023 và thấp hơn mức đỉnh 2022. MBS Research nhấn mạnh giai đoạn 2024-2025 có thể là giai đoạn lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao và ổn định với mức trung bình 23%/năm của HDBank.
Trên thực tế, cổ phiếu HDB cũng đã tạo được sức hút với nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, thanh khoản tăng mạnh trong bối cảnh thanh khoản chung của thị trường đang trong xu hướng suy giảm ngắn hạn.
Tính chung, bình quân 10 phiên giao dịch gần đây nhất, mỗi phiên có gần 6 triệu cổ phiếu được trao tay. HDB cũng là cổ phiếu yêu thích của nhiều quỹ ngoại, tỷ trọng cổ phiếu HDB tại Pyn Elite luôn ở mức cao.
HDBank cũng vừa được vinh danh là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu và lợi nhuận lớn nhất giai đoạn 2019-2023, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình trên 26%.
ACB cũng được kỳ vọng tăng khoảng 26%
ACB lọt “tầm ngắm” của các công ty chứng khoán với nhận định chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm đáng kể.
Đối với cổ phiếu ACB, quan điểm của các chuyên gia Shinhan Securities, đây là một ngân hàng hoạt động thận trọng, không đầu tư vào trái phiếu và hạn chế cho vay doanh nghiệp bất động sản; đây cũng là một trong số các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu quanh mức 1%.
Về cổ phiếu ACB, các chuyên gia kỳ vọng giá mục tiêu trong năm 2024 có thể đạt 30.350 đồng, kỳ vọng tăng 26% so với mức giá hiện tại.
Trong khi đó, VDSC thận trọng hơn khi đặt giá mục tiêu của ACB ở mức 27.400 đồng/cổ phiếu với kỳ vọng ngân hàng sẽ kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu trong ngưỡng mục tiêu.
CTG, BID và VCB đều liên tục lọt “tầm ngắm”
SSI Research thận trọng hơn, đưa ra khuyến nghị khả quan với cổ phiếu CTG và giảm giá mục tiêu từ 41.400 đồng/cổ phiếu xuống 38.500 đồng/cổ phiếu dù vẫn nhận định Vietinbank là ngân hàng lớn thứ 3 cả nước về thương hiệu, nguồn vốn và tệp khách hàng lớn.
Với định hướng mở rộng danh mục cho vay bán lẻ, tỷ trọng cho vay mảng bày của Vietinbank đã đạt khoảng 38,4% vào cuối năm 2023. VDSC kỳ vọng NIM của Vietinbank sẽ cải thiện ở mức 3%, hỗ trợ tăng trưởng thu nhập lãi của năm 2024 ở mức 20%. VDSC nhận định cổ phiếu CTG có thể lên đến 36.800 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng khoảng 11%.
Vietcombank được các chuyên gia chứng khoán Rồng Việt nhận định là ít bị tổn thương nhất do đang duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1%
VDSC nhận định Vietcombank có thể tận dụng chi phí huy động thấp nhờ tỷ lệ CASA cao ổn định ở mức 34%, NIM dự kiến sẽ cải thiện trong dài hạn ở mức trên 3,2%.
Shinhan Securities nhận định, lợi nhuận năm 2024 của các ngân hàng niêm yết sẽ tiệm cận với mục tiêu đã đặt ra trước đó. Bản thân ban lãnh đạo các ngân hàng đã lường trước những thách thức của thị trường và kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan nửa cuối năm.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn