Lộ diện doanh nghiệp lãi lớn nhất ngành gỗ nửa đầu năm 2024

Ngành gỗ Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản lên tới 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thành tựu này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau một năm đầy biến động và khó khăn.

Dẫn đầu về lợi nhuận trong ngành gỗ là Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor; HNX: VIF). Trong quý II/2024, Vinafor ghi nhận doanh thu đạt 416 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 97 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, Vinafor đạt doanh thu 768 tỷ, lãi 214 tỷ đồng, tăng 54% và đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ trong nửa năm đầu.

Đứng đầu về doanh thu, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) đạt 1.025 tỷ đồng doanh thu, 118 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý II/2024, tăng lần lượt 6% và10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu đạt 1.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 199 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 39% so với cùng kỳ năm trước.

Lộ diện doanh nghiệp lãi lớn nhất ngành gỗ nửa đầu năm 2024
Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành gỗ trong 6 tháng đầu năm 2024

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) cũng đã ghi nhận những kết quả khả quan. Mặc dù doanh thu giảm nhẹ trong quý II/2024, Gỗ Đức Thành vẫn báo lãi tăng trưởng 96%, đạt 20 tỷ đồng. Điều này được công ty giải thích là do sự cải tiến quy trình sản xuất và việc dồn hai nhà máy lại thành một, giúp tinh gọn nhân sự và giảm chi phí. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gỗ Đức Thành đạt 156,7 tỷ đồng doanh thu và 31,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lần lượt tăng 3% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HoSE: SAV) cũng có bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu thuần trong quý II/2024 của Savimex đạt 253 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính, Savimex báo lãi 32,6 tỷ đồng, gấp 9,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, Savimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 469 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 312% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt kết quả khả quan. Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) tiếp tục gặp khó khăn khi doanh thu đạt 373 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm trước và lỗ gần 4 tỷ đồng sau thuế. Dù vậy, so với khoản lỗ 41,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023, kết quả này vẫn là một sự cải thiện đáng kể. Lũy kế nửa đầu năm 2024, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 696 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty báo lãi 7,6 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc so với số lỗ 39 tỷ đồng cùng kỳ.

Theo dự báo năm 2024 chưa phải “thời điểm vàng” của ngành gỗ. Tuy nhiên, cơ hội mở rộng, phát triển thị phần được cho là khá lớn. Thị trường đồ nội thất thế giới ước tính khoảng 405 tỷ USD/năm; nhu cầu nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ 230 tỷ USD trong khi kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam chỉ chiếm hơn 6%, dư địa còn nhiều.

Hiện tại, ngành gỗ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường quốc tế. Tại Hoa Kỳ - thị trường chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành, các doanh nghiệp đang đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp và áp lực từ việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tại EU, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và môi trường.

Trong khi đó, các thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang áp dụng các biện pháp mới làm tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán Việt Nam, trong khi Nhật Bản triển khai hệ thống mua bán tín chỉ carbon với các quy định khắt khe về khí thải.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn