Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu 24.858 tỷ đồng (tăng 20,4% so với cùng kỳ), lãi gộp 2.713 tỷ đồng (tăng 162% so với cùng kỳ năm trước).
Đáng chú ý, trong quý II, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 900 tỷ đồng. Khoản mục này của công ty có nhờ việc được xóa nợ. Điều này giúp HVN mang về 1.146 tỷ đồng lãi trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.300 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 934 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ.
Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 900 tỷ đồng đến từ việc xoá nợ. |
Nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỷ đồng, tăng 20% so sánh cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.674 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là gần 1.143 tỷ đồng và lợi nhuận khác là hơn 4.531 tỷ đồng, với sự đóng góp rất lớn từ việc Pacific Airlines được các đối tác xóa nợ.
Về kết quả khai thác, hãng vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so sánh cùng kỳ 2023.
Đây là kết quả tương đối khả quan trong bối cảnh HVN đang phải đối mặt với khó khăn từ giá nhiên liệu cao, biến động tỷ giá bất lợi, tính mùa vụ thấp điểm và tình trạng thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu.
Giá nhiên liệu vẫn đang ở mức cao, bình quân 102,14 USD/thùng (tăng hơn 30% so 2019) khiến chi phí của Vietnam Airlines phát sinh thêm gần 2.500 tỷ đồng. Tỷ giá VNĐ/USD ở mức 24.856 VNĐ (tăng 7% so 2019) khiến chi phí của HVN trong 6 tháng đầu năm tăng 724 tỷ VNĐ. Tỷ giá yên Nhật giảm sâu cũng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng doanh thu cho Vietnam Airlines ở thị trường trọng điểm này.
Trước đại dịch COVID-19, ngành hàng không Việt Nam có 230 máy bay nhưng hiện nay chỉ có có 160 máy bay, giảm 32% nguồn lực do ảnh hưởng từ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thiếu hụt máy bay toàn cầu làm tăng giá thuê máy bay, tăng chi phí bảo dưỡng, vật tư phụ tùng máy bay, đồng thời kéo dài thời gian máy bay nằm đất gây thiệt hại doanh thu.
Trong quý II, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đạt doanh thu thuần 39.556 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng đạt gần 3.320 tỷ đồng, tăng 127% tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp 96% và 91% lần lượt cho doanh thu lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HPG. Nông nghiệp đứng thứ hai về doanh thu và lợi nhuận sau thuế với tỷ trọng lần lượt là 4% và 7%. Bất động sản đóng góp đứng thứ ba với 0,3% doanh thu và 2% lợi nhuận sau thuế.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 71.029 tỷ đồng doanh thu và 6.189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong quý II, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu thuần 39.556 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. |
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCo, Đạm Phú Mỹ - mã chứng khoán: DPM) đạt doanh thu thuần gần 3.950 tỷ đồng trong quý II, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 236 tỷ đồng, tăng trưởng 124% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm, DPM ghi nhận doanh thu thuần 7.255 tỷ đồng (tăng 4%) và lợi nhuận sau thuế đạt 503 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ năm trước). Như vậy, công ty đã hoàn thành được 57% mục tiêu doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận.
Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ ghi nhận 15.740 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi đạt hơn 9.700 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản và cao hơn gần 3.100 tỷ so với đầu năm.
Sản xuất phân bón và hóa chất đạt khoảng 553.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng xuất khẩu urê đạt gần 100.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ và giá xuất khẩu urê bình quân cũng tăng hơn 8%.