Lọc dầu đối mặt nguy cơ thua lỗ

Nửa cuối tháng 9, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải triệu tập cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp thành viên về giải pháp quản trị trước biến động giá dầu.

Trong tuần qua, giá dầu thô WTI giao tương lai đã tăng lên 71 USD/thùng, do lo ngại về rủi ro nguồn cung tiềm ẩn trong bối cảnh xung đột Trung Đông leo thang. Bởi trước đó, sau khi bị Iran tấn công bằng tên lửa, Israel đã tuyên bố sẽ trả đũa, làm gia tăng lo ngại về khả năng gián đoạn các cơ sở sản xuất dầu hoặc các tuyến đường cung cấp dầu ở Iran. Khu vực này hiện đóng góp khoảng một phần ba nguồn cung dầu của thế giới. Tuy nhiên, các dữ liệu lại cho thấy, giá dầu khó tăng mạnh.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô trên thế giới đã tăng lên mức 3,89 triệu thùng, trong khi nhu cầu xăng giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng. Ngoài ra, OPEC+ có kế hoạch khôi phục một số công suất đã bị tạm dừng trước đó, với việc tăng sản lượng sẽ bắt đầu vào tháng 12 sau hai tháng trì hoãn, cho thấy không có mối đe dọa đối với nguồn cung dầu toàn cầu

Quý III/2024 ghi nhận sự ảm đạm chưa từng có trong 3 năm qua của thị trường dầu mỏ thế giới. Ngân hàng Citi dự kiến nếu nhóm OPEC+ không cắt giảm sản lượng thêm nữa, giá dầu trung bình có thể giảm xuống còn 60 USD/thùng vào năm 2025 do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng từ các nước không thuộc OPEC.

Các nhà phân tích dầu mỏ tại Commodity Insights gần đây cho biết, họ kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ giảm do nhiều yếu tố, bao gồm mức tiêu thụ xăng giảm ở Mỹ và nhu cầu nhiên liệu máy bay theo mùa thấp hơn. Ngoài ra, nhu cầu yếu từ Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên thị trường. Tính từ đầu năm đến đầu tháng 9/2024, lượng dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 324.000 thùng/ngày.

Các nền kinh tế lớn ở Đông Á cũng giảm nhu cầu dầu. Châu Á hiện là khu vực tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới với hai nền kinh tế khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ - đây cũng là hai nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá dầu giảm nhanh là điều mà bất cứ nhà máy lọc dầu nào trên thế giới cũng phải sợ hãi. Khi điều này xảy ra, nó thổi bay gần như lợi nhuận tích lũy các quý trước đó. Theo dữ liệu từ LSEG, lợi nhuận lọc dầu tại Singapore trong tuần đầu tiên của tháng 9 đã giảm 68% so với tuần đầu tiên của tháng 8.

Biên lợi nhuận lọc dầu trên khắp châu Á đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này có thể dẫn đến nhiều hạn chế hơn về công suất hoạt động tại các nhà máy lọc dầu trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng, do nguồn cung nhiên liệu đang tăng lên sau khi nhu cầu đạt đỉnh vào mùa hè, tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm.

Sinopec, nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á, xác nhận mối lo ngại của thị trường về nhu cầu nhiên liệu yếu ở Trung Quốc. Các chỉ số lọc dầu của nhà máy này tính theo công suất đều xấu đi so với nửa đầu năm 2024, phản ánh nhu cầu yếu của Trung Quốc, đặc biệt là với dầu diesel.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, giá dầu và crack margin (chênh lệch giá giữa nguyên liệu đầu vào giá đầu ra) đi xuống mạnh đã ảnh hưởng tới cả ngành dầu khí, trong đó có lĩnh vực lọc hóa dầu. Vì vậy, cuối tháng 9 vừa qua, PVN phải họp khẩn với các công ty thành viên để lắng nghe và chỉ đạo các giải pháp quản trị biến động của từng đơn vị.

PVN cho biết, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất cũng đang chịu tác động bởi giá dầu biến động. Các nhà máy vừa phải duy trì ổn định sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa phải tìm kiếm các giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn thị trường hiện nay.

Nhu cầu xăng dầu trong nước hiện được cải thiện nhưng tồn kho tại nhiều nơi vẫn còn khá cao. Tồn kho của Petrolimex và PVOil đang trên 30 ngày vận hành. Tồn kho của các đầu mối khác vẫn đang cao. Trường hợp thị trường có chuyển biến xấu hơn, tồn kho trong nước có thể tăng. Lượng nhập khẩu giảm so với giai đoạn Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng, nhưng vẫn ở mức cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu đang giảm 2% theo ghi nhận của Hiệp hội Xăng dầu.

Báo cáo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn gửi PVN cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 9, doanh thu của Công ty đạt 5.413 tỷ đồng, lợi nhuận âm 478 tỷ đồng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn