Lợi nhuận duy trì dù tăng trưởng chậm lại
Theo số liệu do SSI Research thống kê từ kết quả kinh doanh quý I/2024 của 1.059 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng trong đầu năm, mặc dù tốc độ tăng có phần chậm lại.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế của 1.059 doanh nghiệp này tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,4% so với quý gần nhất. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 quý, chỉ thấp hơn 2 quý đầu năm 2022. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của quý I/2024 đã chậm lại đáng kể so với mức tăng 35,3% trong quý IV/2023 do nền so sánh cao dần.
Lãi suất giảm giúp doanh nghiệp giảm áp lực lãi vay “Tỷ lệ chi phí lãi vay/tổng vay nợ nhóm doanh nghiệp phi tài chính giảm mạnh về 5,8% từ mức đỉnh là 7,8% trong quý II/2023. Tổng chi phí lãi vay theo đó giảm từ 19,7 nghìn tỷ trong quý II/2023 xuống 15,2 nghìn tỷ đồng trong quý I/2024, mặc dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng nhẹ. Như vậy, mặt bằng lãi suất giảm đang dần thể hiện tác động tích cực giúp giảm bớt áp lực lãi vay lên doanh nghiệp” - SSI Research. |
Theo đánh giá của các chuyên gia SSI Research, mặc dù một số ngành như bất động sản, điện, nước, xăng dầu và khí đốt vẫn đang trong chu kỳ giảm, song nhìn chung phần lớn các ngành khác đang từng bước phục hồi với sức khỏe tài chính dần cải thiện. “Kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn” - chuyên gia của SSI Research cho hay.
Qua số liệu kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy, lợi nhuận nhiều nhóm ngành duy trì tích cực, đồng thời cũng có ngành xác nhận tạo đáy và quay lại quỹ đạo tăng trưởng.
Theo đó, trong quý đầu năm này, ngành ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận dù tốc độ có chậm hơn. Cụ thể, lãi sau thuế quý I/2024 của các ngân hàng niêm yết tăng nhẹ 9,6% so với cùng kỳ, chiếm 49,2% tổng lợi nhuận toàn sàn. Trong khi đó, lợi nhuận ngành bất động sản giảm mạnh với mức giảm 61,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do doanh thu VHM giảm.
Cũng trong quý vừa qua, ngành dịch vụ tài chính tiếp tục tăng trưởng mạnh, ở mức 103% so với cùng kỳ, đưa lãi sau thuế lên mức cao nhất kể từ quý II/2022. Ngành tài nguyên cơ bản ghi nhận lãi sau thuế tăng 208% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu chỉ tăng 5,8%. Ngành viễn thông cũng tăng trưởng 95%; và ngành xây dựng cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 125%.
Trong khi đó, ngành bán lẻ tăng mạnh 367% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng ấn tượng của hai doanh nghiệp đầu ngành. Ngành du lịch và giải trí cũng phục hồi mạnh và có lãi trở lại sau chuỗi thời gian dài ghi nhận lỗ.
Vẫn là nền tảng hỗ trợ chủ đạo cho thị trường
Ảnh minh họa |
Báo cáo mới phát hành gần đây của SGI Capital cho biết, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đã chậm lại và mức độ tăng trưởng của quý I/2024 phần nào dưới kỳ vọng, cho dù có nền so sánh thấp của quý I/2023. Tuy vậy, “xu hướng phục hồi kết quả kinh doanh vẫn là chủ đạo và tiếp tục là nền tảng cho việc chọn lựa các cơ hội đầu tư năm nay” - chuyên gia của SGI Capital nhấn mạnh.
Theo chuyên gia của SSI Research, ở mặt bằng định giá chung, hệ số P/E Forward 1 năm của VN-Index sau nhịp điều chỉnh đã tiến về lại vùng định giá hấp dẫn trong dài hạn (11,2 lần). Thị trường sẽ được hỗ trợ khi tiến sâu hơn vào vùng định giá hấp dẫn này và sự phân hóa sẽ diễn ra với lợi thế thuộc về các nhóm cổ phiếu cho thấy sự phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng của kết quả kinh doanh cốt lõi, như những gì đã diễn ra trong tháng 4 - tháng cao điểm hấp thụ thông tin kết quả kinh doanh quý I/2024.
“Tiêu dùng, du lịch, hoạt động thương mại phục hồi, giải ngân FDI bứt phá có thể là các tín hiệu ban đầu hỗ trợ cho sự phục hồi lợi nhuận tiếp tục trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để có nền tảng vững chắc cho xu hướng tăng bền vững của thị trường chứng khoán, tăng trưởng lợi nhuận phục hồi bền vững trên diện rộng trong các quý tiếp theo là điều cần thiết” - chuyên gia của SSI Research cho hay.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, số liệu vĩ mô trong nước tháng 4 được công bố cho thấy, xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững. Một số khía cạnh của nền kinh tế có chuyển biến tích cực như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công. “Diễn biến này củng cố cho kỳ vọng đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong những quý tới đây” - ông Hinh nhận định.
Bên cạnh đó, “rủi ro giảm điểm đã hạ nhiệt khi các doanh nghiệp niêm yết duy trì lợi nhuận tăng trong quý đầu năm và bài phát biểu ôn hòa của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell về chính sách tiền tệ đã giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá VND/USD. Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khá tích cực trong năm nay do nền kinh tế phục hồi, lãi suất giảm và mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023” - chuyên gia của VNDIRECT phân tích thêm./.