Lợi nhuận Thaco giảm mạnh, tài sản tỷ phú Trần Bá Dương 'bốc hơi' 300 triệu USD
Theo báo cáo, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương ghi nhận vốn chủ sở hữu và tài sản tăng mạnh. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 giảm sâu.
Tính tới cuối năm 2023, Thaco ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt gần 52,4 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 2,1 tỷ USD), tăng so với mức hơn 48,4 tỷ đồng ghi nhận vào cuối năm 2022. Tài sản của Thaco đạt hơn 170,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm 2023.
Như vậy, tài sản của Tập đoàn Trường Hải tiếp tục tăng trưởng mạnh sau khi doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác ngoài sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô.
Trong khoảng một thập kỷ qua, Thaco đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, logistics, nông nghiệp… Tiền được vay để bơm vào lĩnh vực địa ốc và nông nghiệp (mua từ doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức - Bầu Đức).
Mặc dù ô tô là trụ cột nhưng bất động sản lại là mũi nhọn trong nhiều năm qua để Thaco trở thành tập đoàn đa ngành có quy mô trong khu vực, trong đó dự án Thủ Thiêm có vai trò lớn. Việc đầu tư mạnh vào nông nghiệp cũng khiến quy mô của Thaco phình ra.
Với khối tài sản lên tới hơn 170,7 nghìn tỷ đồng, Thaco của tỷ phú Dương đã vượt qua nhiều tập đoàn lớn trong nước như Masan Group (khoảng 147 nghìn tỷ đồng) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Sovico Group của nhà nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Tài sản của Thaco chỉ xếp sau Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (khoảng 670 nghìn tỷ đồng) và Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long (tổng tài sản 188 nghìn tỷ đồng).
Tới cuối năm 2023, Thaco ghi nhận hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 2,26 lần so với mức 2,16 lần vào cuối năm 2022. Với tỷ lệ này, tổng nợ phải trả của Trường Hải là gần 118,4 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4,7 tỷ USD).
Thaco có dư nợ trái phiếu hơn 14 nghìn tỷ đồng, ứng với hệ số nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,26 lần.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có 4 lô đang lưu hành với tổng giá trị phát hành là hơn 15 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp của tỷ phú Dương đã mua lại khoảng 900 tỷ đồng giá trị trái phiếu.
Có thể thấy, tình hình tài chính năm 2023 do chính Thaco công bố cũng khá tương đồng với thông tin từ cổ đông lớn Jardine Cycle & Carriage (JCC) báo cáo hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Theo báo cáo của JCC, trong năm 2023, tập đoàn có trụ sở tại Singapore này báo lợi nhuận tăng 64% nhưng kết quả từ Thaco - nơi JCC nắm giữ 26,6% cổ phần - thì giảm hơn nửa.
Hầu hết mảng đầu tư của JCC đều tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023, ngoại trừ Thaco. Trong năm ngoái, mức đóng góp của Thaco giảm tới 57%, chỉ còn gần 36 triệu USD, chủ yếu do mảng ô tô lao dốc 69%, còn 30 triệu USD. Thaco suy giảm lợi nhuận do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, làm suy yếu sức mua.
Tài sản tỷ phú Trần Bá Dương giảm mạnh
Cùng với sự suy giảm lợi nhuận của Thaco trong năm 2023, tài sản của tỷ phú Trần Bá Dương và gia đình ông đã giảm mạnh, từ mức 1,5 tỷ USD theo đánh giá của Forbes vào đầu năm 2023, xuống còn 1,2 tỷ USD tính đến ngày 1/4.
Tài sản của nhà tỷ phú Trần Bá Dương giảm có thể do định giá của Thaco suy giảm.
Trước đó, hồi năm 2019, Jardine Cycle & Carriage Limited mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Thaco với định giá lên tới hơn 9,2 tỷ USD.
Nhưng theo báo cáo tài chính của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam - VietinBank Securities (CTS), trong nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp CTS đã bán hơn 4,7 triệu cổ phiếu chưa niêm yết với tổng giá trị bán là 141 tỷ đồng (tương đương 30.000 đồng/cp). Định giá của Thaco như vậy đang ở mức 91.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,8 tỷ USD), đã thấp đi rất nhiều.
Thaco hiện là một tập đoàn công nghiệp đa ngành, gồm: Thaco Auto (ô tô), Thaco Agri (nông lâm nghiệp); Thaco Industries (cơ khí và công nghiệp hỗ trợ), Thadico (đầu tư xây dựng), Thilogi (Logistics) và Thiso (thương mại dịch vụ).
Thaco Auto là một thành viên của Thaco Group và cũng là đơn vị chủ lực. Thaco Auto chuyên sản xuất, lắp ráp và phân phối, bán lẻ các loại xe thương hiệu KIA, Mazda, Peugeot, BMW... với hệ thống gần 400 showroom bán lẻ khắp cả nước và có tổ hợp sản xuất với 7 nhà máy (KIA, Thaco Royal, Mazda, nhà máy Luxury Car, nhà máy mô tô, nhà máy xe bus, nhà máy xe tải và tải chuyên dụng) đặt tại khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam).
Thaco được xem là ông vua ô tô tại Việt Nam nhưng sau đó đã chuyển mạnh và trở thành một đại gia địa ốc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với hậu quả nhiều ông lớn bất động sản lao dốc, Thaco đã vươn lên thành một nhà phát triển địa ốc có tên tuổi với thương hiệu Đại Quang Minh. Tiền được dồn vào khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Trần Bá Dương nổi tiếng và thành công vang dội với đại dự án bất động sản Sala ở đất nóng Thủ Thiêm (TP.HCM), từ một vùng sình lầy trở thành khu đô thị kiểu mẫu.
Tuy nhiên, vị tỷ phú này có khoảng thời gian gặp khó trong việc giải cứu HAGL Agrico. HAGL Agrico (HNG) là một doanh nghiệp nông nghiệp có diện tích đất lớn nhưng doanh thu và lợi nhuận khiêm tốn. Giá phân bón, vật tư nông nghiệp lên cao và chi phí vận chuyển tăng vọt trong thời gian hơn 1 năm qua khiến doanh nghiệp nông nghiệp như HNG khó khăn.
Thaco của ông Trần Bá Dương đổ cả tỷ USD vào HAGL Agrico nhưng đà hồi phục của doanh nghiệp này khá chậm. Trước đó, Thaco từng đầu tư vào Thủy sản Hùng Vương và cũng đã bất thành. HVG làm ăn bết bát, cổ phiếu này đã bị hủy niêm yết trên sàn HOSE.
Thaco lên kế hoạch tuyển dụng mới khoảng 15.000 nhân sự
Xem thêm tại nguoiquansat.vn