Lotte Finance tăng vốn, mở rộng cho vay tiêu dùng

Ngày 24/5, Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam (Lotte Finance) cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành quyết định cho phép Lotte Finance tăng vốn điều lệ lên hơn 4.186 tỷ đồng.

Đây là lần tăng vốn mạnh nhất của Lotte Finance kể từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2018. Cuối tháng 9 năm ngoái, Lotte Finance cũng có đợt tăng vốn lên hơn 2.460 tỷ đồng.

Theo giấy phép sửa đổi, Lotte Finance do Công ty Lotte Card (Hàn Quốc) sở hữu 100% vốn điều lệ, được thực hiện các hoạt động của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng theo quy định của pháp luật và của NHNN.

Bao gồm các hoạt động huy động vốn, cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác; phát hành thẻ tín dụng...

Cùng với việc tăng vốn, ban lãnh đạo Lotte Finance cho biết, trọng tâm của công ty trong giai đoạn tới là mở rộng các hoạt động dịch vụ tài chính nhằm tiếp cận đa dạng hơn tới người tiêu dùng Việt.

Thị trường hiện có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép bởi NHNN. Trải qua 2 năm bĩ cực, lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VPBank, ngân hàng cho biết năm nay công ty con FE Credit đặt mục tiêu có lãi 1.200 tỷ đồng. Năm 2023, FE Credit báo lỗ gần 3.700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ, hai năm covid đã khiến 60% khách hàng của FE Credit bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ sút giảm, nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, trong năm 2024 tình hình sẽ có những chuyển biến thuận lợi hơn.

“Trong quý I/2024, FE Credit đã giảm lỗ về chỉ còn 800 tỷ đồng, dự kiến số lỗ này sẽ được bù đắp trong quý II/2024 và lãi trở lại nửa cuối năm nay”, ông Vinh chia sẻ.

Tương tự, MCredit, công ty tài chính tiêu dùng của ngân hàng MB dự kiến cũng sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong năm 2023. Ban lãnh đạo MB dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 của MCredit sẽ tăng gấp đôi 2023, khoảng 300 tỷ đồng.

Đánh giá về đà phục hồi của lĩnh vực tài chính tiêu dùng, ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Mcredit cho rằng năm 2024 vẫn chưa phải là năm sẽ có những tín hiệu thật sự tốt đối với lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, thị trường đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và không thể xấu hơn, nhất là với những nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ. Đồng thời, những khó khăn của năm 2023 cũng chính là cơ hội để ngành tài chính tiêu dùng nhìn lại và chuyển mình.

Với Mcredit, doanh nghiệp đang tiến hành tái cơ cấu hoạt động thu hồi nợ xấu (chuyển sang dịch vụ nội bộ) và thay đổi chiến lược cho vay thông qua việc ưu tiên tiếp cận tệp khách hàng của tập đoàn trên các nền tảng số thay vì trực tiếp tìm kiếm khách hàng mới.

Xem thêm tại theleader.vn