Ưu tiên nắm giữ cổ phiếu và tập trung vào nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt. Ảnh: DT |
Lợi nhuận doanh nghiệp khả quan
Chỉ số VN-Index đã khép lại tháng đầu năm 2024 với mức tăng hơn 3%. Giai đoạn sát Tết Nguyên đán, dòng tiền có dấu hiệu thận trọng hơn, các chuyên gia cho rằng, diễn biến này không ngoài dự báo trước đó, do nhà đầu tư lo ngại thị trường bước vào vùng trũng thông tin. Tuy nhiên, thị trường sau tết Nguyên đán được kỳ vọng có nhiều điểm sáng, những cơ hội sẽ rõ ràng hơn.
Nhịp điều chỉnh là cơ hội “săn” cổ phiếu dài hạn Theo các chuyên gia, chiến lược hợp lý giai đoạn hiện tại vẫn là nắm giữ các cổ phiếu đang sinh lời hiệu quả cho danh mục của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể mở rộng ra hơn trong giai đoạn này dành nguồn tiền nhàn rỗi “săn” cổ phiếu đã điều chỉnh để tìm kiếm cơ hội cho khung thời gian dài hạn hơn, có thể cho cả năm của 2024. |
Cập nhật mới nhất của FiinTrade cho thấy, tính đến sáng ngày 31/1/2024 đã có 995 doanh nghiệp niêm yết, đại diện 95,6% vốn hóa trên ba sàn công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, với tổng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 49,4% và so với quý III trước đó tăng 15,9%.
Yếu tố hỗ trợ chính bao gồm nền so sánh cùng kỳ ở mức thấp quý IV/2022 được coi là đáy về lợi nhuận ở nhiều ngành, bên cạnh đó, doanh nghiệp hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô. Tăng trưởng so với cùng kỳ được dẫn dắt bởi ngân hàng, thép, chứng khoán, viễn thông, thực phẩm và đồ uống, du lịch và giải trí. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của bất động sản, tiện ích, bán lẻ và dịch vụ công nghiệp tiếp tục giảm.
Tại báo cáo chiến lược được công bố mới đây, Chứng khoán MBS dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 16,8% trong năm 2024 so với cùng kỳ chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý III và quý IV của năm 2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích Chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, nền kinh tế đã trải qua giai đoạn khó khăn và tình hình đã được cải thiện dần từ quý I/2023, nên kết quả kinh doanh quý IV của nhiều doanh nghiệp khả quan. Đây sẽ là một tín hiệu tốt với thị trường.
Trong năm tới, các doanh nghiệp có thể đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng dựa trên những thách thức trong năm 2023. Tuy nhiên, điều này sẽ không tác động nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư có thể tập trung nhiều vào triển vọng của doanh nghiệp hơn là nhìn vào kế hoạch kinh doanh do doanh nghiệp đặt ra.
“Theo dự báo của KIS thì nền kinh tế có thể tăng trưởng 7,2% trong năm 2024. Khi nền kinh tế phục hồi thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng trưởng tốt. Với mức tăng trưởng GDP dự báo này chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ vượt kế hoạch đề ra. Do đó, thị trường sẽ biến động dựa trên triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp nhiều hơn là dựa trên kế hoạch kinh doanh thận trọng do doanh nghiệp đặt ra” - ông Hiếu cho biết.
Chọn lọc nhóm ngành tiềm năng
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, Công ty cổ phần Yuanta Việt Nam cho rằng, trong năm 2024, các doanh nghiệp có thể tự tin hơn trong việc đặt kế hoạch, tăng trưởng có thể là hai con số vì mức nền của năm 2023 khá thấp. Điều này sẽ tác động tích cực đến diễn biến của thị trường. Khi tăng trưởng của các doanh nghiệp khả quan hơn sẽ giúp định giá, mức lợi suất của thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.
Ảnh minh họa. |
Theo ông Nguyễn Thế Minh, nhìn chung bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể tươi sáng hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Yếu tố đầu tiên và cũng quan trọng nhất là kinh tế hồi phục; yếu tố thứ 2 là chi phí đầu vào, đặc biệt liên quan đến chi phí lãi vay.
Với mặt bằng lãi suất thấp năm nay, khả năng cao là lãi suất trong năm sau sẽ theo chiều hướng giảm và kích thích nhu cầu tăng trưởng tín dụng trở lại. Áp lực về chi phí lãi vay nhẹ hơn so với năm 2022 hay 2023 rất nhiều, dẫn đến biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn so với năm 2023.
Chia sẻ về diễn biến của thị trường giai đoạn hiện tại, ông Nguyễn Thế Minh cho hay, thông thường tại gần các thời điểm nghỉ lễ kéo dài thì các nhà đầu tư cá nhân thường có trạng thái phòng thủ và bán ra trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu kết thúc nhịp điều chỉnh và có thể sớm quay trở lại dẫn dắt đà tăng thị trường.
Còn ông Trần Trương Mạnh Hiếu nhận định, hiện nền kinh tế đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi từ quý I/2023, nên xu hướng tăng của thị trưởng của thị trường chứng khoán cũng được xác nhận. Vì thế, chiến lược ở giai đoạn đoạn hiện tại là ưu tiên nắm giữ cổ phiếu và tập trung vào nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và câu chuyện riêng.
Ông Hiếu dẫn chứng, một số nhóm ngành cần quan sát trong giai đoạn này là nhóm bất động sản khu công nghiệp. Hiện dòng vốn FDI đang chảy vào Việt Nam khi FDI giải ngân và đăng ký ở mức cao. Khi các doanh nghiệp này vào Việt Nam thì nhu cầu sử dụng đất đặt nhà xưởng sẽ gia tăng, khi đó nhóm này sẽ được hưởng lợi khá nhiều.
Bên cạnh đó là nhóm đầu tư công, hiện Chính phủ đang tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng với các dự án lớn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam… Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư công trong năm này cũng ở mức cao, vì thế, nhóm này có thể sẽ được hưởng lợi khá nhiều.
Một nhóm ngành đáng chú ý khác là nhóm cảng biển và vận tải biển. Dự kiến trong giai đoạn tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giảm lãi suất, khi đó nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường như Mỹ và châu Âu có thể phục hồi. Khi đó nhu cầu sử dụng các dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sẽ gia tăng và ngành cảng biển và vận tải biển có thể thu hút dòng tiền./.