Luật Các TCTD (sửa đổi) cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc”, các nhà băng sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Cụ thể, Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định hành vi bị cấm bao gồm việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Như vậy, từ ngày 1/7/2024 – thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực, các ngân hàng sẽ bị cấm hoạt động bán bảo hiểm theo hình thức "bán bia kèm lạc".

Luật Các TCTD (sửa đổi) cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc”, các nhà băng sẽ bị ảnh hưởng thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, qua thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên tổ chức tín dụng (TCTD) như: việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng , hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm; cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho biết đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định nghiêm cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Theo đánh giá của bộ phận phân tích Chứng khoán MB (MBS Research), với Luật Các TCTD (sửa đổi) được thông qua, hoạt động bancassurance sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019-2021.

Tương tự, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, quy định mới sẽ khiến các ngân hàng có thu nhập phí chủ yếu đến từ bancassurance có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Trước đó, doanh thu từ việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã giảm sút mạnh trong 9 tháng đầu năm 2023, sau nhiều sự cố gây bức xúc dư luận.

Theo báo cáo tài chính quý III/2023, có 8 ngân hàng đưa ra thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, ngoại trừ PG Bank, tất cả đều ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu bảo hiểm của 8 ngân hàng trên đạt 9.409 tỷ đồng, giảm 26,1% so cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, MB chứng kiến doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm giảm 16,9%, còn 5.989 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023. Doanh thu đi xuống kéo theo lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm giảm 28,21%, còn 2.105 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2022, bảo hiểm từng mang về cho MB hơn 7.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.900 tỷ đồng lãi thuần.

Doanh thu từ hoạt động bảo hiểm của VPBank cũng giảm từ 2.440 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2022 xuống còn 1.864 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, tương ứng mức giảm 23,6%. Trong khi Techcombank giảm hơn một nửa, từ 1.066 tỷ đồng xuống còn 458 tỷ đồng; VIB giảm từ 936 tỷ đồng xuống còn 689 tỷ đồng ; TPBank giảm từ 661 tỷ xuống còn 291 tỷ đồng.

Theo nhận định của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thu nhập từ việc bán chéo bảo hiểm của ngành ngân hàng đã bị ảnh hưởng do có các vụ việc lùm xùm trong hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra. Đồng thời, thu nhập của người dân cũng giảm sút do kinh tế khó khăn. 

Nhóm phân tích dự báo, lợi nhuận từ phí bảo hiểm trong năm 2023 có thể giảm 10-15% so với năm trước.

Xem thêm tại cafef.vn