Sau 3 phiên giảm khá mạnh, thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm trong phiên sáng 24/7 khi sắc đỏ vẫn là màu chủ đạo trên bảng điện tử. Thậm chí có thời điểm áp lực bán mạnh trên diện rộng đã khiến VN-Index có thời điểm giảm gần 15 điểm trước khi bật hồi thu hẹp biên độ giảm đáng kể về cuối phiên. Điểm tích cực chính là thanh khoản thị trường cải thiện khá tốt, cho thấy lực cầu được kích hoạt mạnh ở vùng giá hỗ trợ 1.220 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng hơn 30 phút giao dịch thăm dò dưới mốc tham chiếu, thị trường bắt đầu dần le lói sắc xanh. Mặc dù tâm lý giao dịch thận trọng khiến VN-Index vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc nhẹ sau đó, nhưng sau 3 phiên giảm khá mạnh, áp lực bán đã có dấu hiệu suy yếu, giúp thị trường đảo chiều khởi sắc trở lại.
Đóng cửa, sàn HOSE có 259 mã tăng và 117 mã giảm, VN-Index tăng 6,66 điểm (+0,54%) lên 1.238,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 740,3 triệu đơn vị, giá trị 17.864,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 82 triệu đơn vị, giá trị gần 1.800 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng khởi sắc cùng thị trường chung dù mức tăng khá hạn chế chưa đến 2 điểm, trong đó GVR là tâm điểm đáng chú ý. Sau khi lên tiếng về việc lãnh đạo bị khởi tố và cổ phiếu trải qua những phiên giảm mạnh, GVR đã đảo chiều hồi phục ấn tượng trong phiên sáng và tiếp tục nới rộng thêm biên độ trong phiên chiều.
Kết phiên, GVR tăng 6,86% lên mức 32.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5 triệu đơn vị và dư mua trần 18.500 đơn vị. Đây cũng là cổ phiếu có đóng góp lớn nhất cho thị trường tới gần 2,2 điểm, trong khi các cổ phiếu khác có mức đóng góp chưa tới 0,5 điểm cho chỉ số chung.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, QCG tiếp tục những ngày u ám bởi những thông tin tiêu cực từ lãnh đạo doanh nghiệp. Đóng cửa, QCG giảm 6,88% xuống mức giá sàn 7.310 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ 65.900 đơn vị và dư bán sàn tới hơn 6,1 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ tính trong 9 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu QCG đã giảm tới hơn 40%.
Xét về nhóm ngành, sản xuất nhựa – hóa chất vẫn là điểm sáng nhất thị trường với mức tăng vượt trội, đạt hơn 4%, nhờ GVR và CSV tăng kịch trần, các mã khác như DCM tăng 2%, DGC tăng 1,5%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng sàn ngập sắc xanh và ghi nhận mức tăng hơn 2%, với tâm điểm đáng chú ý như DIG tăng 4,9%, TCH tăng 3,5%, DXG có thời điểm tăng kịch trần và đóng cửa tăng 5,9%, với thanh khoản cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác như NVL tăng 2,7%, PDR tăng 3,9%, HDG tăng 3,3%, BCG tăng 2,4%, KBC tăng 3,8%...
Đáng chú ý, bộ 3 trụ cột bank chứng thép cũng đảo chiều thành công dù mức tăng còn khá hạn chế. Trong top 5 mã thanh khoản tốt nhất thị trường có tới 4 mã thuộc nhóm ngành này, với MBB dẫn đầu đạt 25,84 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,2%, SHB cũng tăng nhẹ 0,9% và khớp 16,96 triệu đơn vị, đáng kể là VIX đảo chiều tăng 3,9% và khớp 18,62 triệu đơn vị, trong khi SSI thu hẹp biên độ khi đóng cửa giảm 2,8% và khớp 21,94 triệu đơn vị.
Toàn thị trường còn 6 nhóm giảm điểm, trong đó nhóm chế biến thủy sản, bán lẻ và sản phẩm cao su có mức giảm hơn 1%.
Trên sàn HNX, bên cạnh lực cầu cải thiện, áp lực bán suy giảm cũng khiến HNX-Index tìm lại sắc xanh.
Chốt phiên, sàn HNX có 95 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 1,58 điểm (+0,67%) lên 236,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,64 triệu đơn vị, giá trị 1.171 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,58 triệu đơn vị, giá trị 216,88 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn có thanh khoản vượt trội với gần 11,6 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa vẫn giảm nhẹ 0,6% xuống 17.000 đồng/CP.
Trong khi đó, các mã có giao dịch sôi động tiếp theo đó là CEO, MBS, PVS, TNG, TIG có thanh khoản đạt 2-6 triệu đơn vị, đóng cửa đều khởi sắc với mức tăng hơn 1-3%.
Đáng chú ý, cổ phiếu LAS tiếp tục nới rộng biên độ, đóng cửa tăng 6,6% lên mức 24.300 đồng/CP, cổ phiếu thép VGS tăng 3,9% lên mức 34.600 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 1,5 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, nhận tín hiệu tích cực từ thị trường niêm yết, chỉ số UPCoM-Index cũng đảo chiều hồi phục thành công.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,14%) lên 94,53 điểm với 131 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,58 triệu đơn vị, giá trị 657 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,33 triệu đơn vị, giá trị 73,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép TVN cũng tỏa sáng khi kết phiên tăng 4,5% lên mức 9.300 đồng/CP và khớp 1,14 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã thuộc top giao dịch sôi động nhất là BSR khớp 7,43 triệu đơn vị, BVB khớp 4,47 triệu đơn vị, VGI khớp 4,17 triệu đơn vị, VGT khớp 3,33 triệu đơn vị, đều đóng cửa giảm trên dưới 2%.
Trái với diễn biến của BSR, cổ phiếu dầu khí OIL đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 1,6% lên mức giá cao nhất ngày 13.600 đồng/CP và khớp 2,52 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm nhẹ, với VN30F2408 giảm 0,7 điểm (-0,1%), xuống 1.283,5 điểm, khớp lệnh gần 251.120 đơn vị, khối lượng mở 64.200 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, với CMWG2314 là mã thanh khoản cao nhất với 4,35 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 13% xuống 1.410 đồng/cq. Theo sau là CSTB2327 với hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu 40 đồng/cq.