Lương tăng, ngành bán lẻ khởi sắc, Digiworld (DGW) được kỳ vọng bứt phá

Trong báo cáo mới đây cập nhật về triển vọng ngành bán lẻ, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS- Mã CK: ORS) cho biết ngoại trừ năm 2015, tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam luôn duy trì mức 2 chữ số trong giai đoạn 2005-2019.

Từ năm 2020 đến 2021, đại dịch Covid-19 và tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới đã ít nhiều ảnh hưởng tới ngành bán lẻ & dịch vụ tiêu dùng. Sau 2 năm vượt qua khó khăn và nỗ lực hồi phục, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 6.232 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, tương ứng 259,6 tỷ USD, tăng 9,6% so với 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này đạt 3.098 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của Mordor Intelligence, quy mô bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2024 ước tính sẽ đạt 276,4 tỷ USD và 488,1 tỷ USD năm 2028, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12,1%, cho thấy sự phát triển ổn định của thị trường bán lẻ trong dài hạn.

Theo các chuyên chứng khoán Tiên Phong, sự phát triển của thị trường bán lẻ trong những năm tới được hậu thuẫn bởi các yếu tố: Thu nhập khả dụng và chi tiêu của hộ gia đình tăng nhanh, mức độ đô thị hóa vẫn còn thấp so với khu vực, quy mô dân số tăng và cơ cấu dân số thay đổi, và sự phát triển của Internet và thương mại điện tử.

CTCP Thế giới số ( Digiworld- Mã CK: DGW) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối bán lẻ tại Việt Nam. Khác với các doanh nghiệp bán lẻ ICT khác như Thế giới di động, FPT Retail, Digiworld đang định vị mình là một nhà phân phối hơn là một nhà bán lẻ.

Bán lẻ kỳ vọng khởi sắc, thời điểm để Digiworld bứt phá ?

Về tình hình kinh doanh, bên cạnh mảng chính là phân phối các sản phẩm thiết bị điện tử (Apple, Dell, Xiaomi…), Digiworld cũng đã đặt chân vào hai ngành hàng mới là ngành hàng Chăm sóc Sức khoẻ và ngành hàng Tiêu dùng.

Theo Digiworld, thị trường bán lẻ sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chưa thực sự bão hòa và trong nửa cuối năm 2024 có thể phục hồi rõ ràng hơn nhờ chu kỳ thay thế sản phẩm thường diễn ra sau 2,5-3 năm. Mảng ICT đã đạt doanh thu kỷ lục vào quý IV/2021, do đó dự kiến 2 quý cuối năm 2024 sẽ là chu kỳ thay máy mới.

Bên cạnh đó, mảng ICT cũng đón nhận tín hiệu tích cực từ sự ra mắt của một số sản phẩm công nghệ đời mới và mùa tựu trường sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các thiết bị điện tử. Đồng thời việc ra mắt iPhone 16 vào tháng 10 sẽ thúc đẩy doanh thu điện thoại di động.

Điều này là động lực rất lớn hỗ trợ kết quả kinh doanh thời gian tới của Digiworld do ICT nói chung và smartphone nói riêng là ngành hàng cốt lõi, chiếm tỷ trọng đến 74% tổng doanh thu (riêng smartphone là 43%).

Đối với thị trường Máy tính xách tay & máy tính bảng, Digiworld hiện đang chiếm 40% thị phần tại Việt Nam, đối với Điện thoại di động là 15%. Cơ cấu doanh thu còn lại là Thiết bị văn phòng, ngành hàng gia dụng và tiêu dùng. Trong đó sản phẩm hàng tiêu dùng được Digiworld gia nhập gần đây và đang có hiệu quả kinh doanh tương đối tốt.

Bên cạnh đó, Quốc hội “chốt” tăng 30% lương cơ sở từ 1/7/2024 - mức tăng cao nhất từ trước tới nay - cũng sẽ góp phần kích thích nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân sau một thời gian dài tiết kiệm.

Những nguyên nhân đó, khiến Digiworld được các chuyên gia chứng khoán kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II và nửa cuối năm 2024.

Bán lẻ kỳ vọng khởi sắc, thời điểm để Digiworld bứt phá ?
Diễn biến giá cổ phiếu DGW trong 1 năm gần đây

Trên thị trường, cổ phiếu DGW có chuỗi những phiên bứt phá. Tính chung 10 phiên giao dịch gần đây nhất, DGW đã có đến 8 phiên tăng điểm. Hiện DGW giao dịch quanh mức 64.900 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp vượt 10.800 tỷ đồng, sắp chạm mức nửa tỷ USD.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn