Thế giới Di động và những điển hình khác
Thời điểm 31/12/2023, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) còn hơn 65.400 người, giảm gần 8.600 người so với điểm đầu năm. Riêng quý cuối năm ngoái, cùng với việc đóng thêm gần 200 cửa hàng, MWG đã cắt giảm gần 3.000 nhân sự.
Tính đến hết năm 2023, chuỗi Thế giới Di động và Topzone có 1.078 cửa hàng (giảm 112 cửa hàng so với đầu năm) chuỗi Điện Máy Xanh có 2.190 cửa hàng (giảm 94 cửa hàng). Như vậy, trong cả năm 2023, Thế giới Di động và Điện máy Xanh đã đóng tổng cộng 206 cửa hàng.
Thế giới Di động tiếp tục cắt giảm thêm hơn 4.850 người trong quý I/2024. Ảnh: MWG. |
Quý I năm nay, số lượng nhân sự Thế giới Di động tiếp tục giảm thêm hơn 4.850 người. Hiện nay, MWG chỉ còn khoảng hơn 60.560 người. Nếu chỉ tính từ ngày 30/9/2022 đến 31/3, Thế giới Di động đã giảm 24,5% quy mô nhân sự, tương ứng giảm 19.670 người.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm nay của Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) cho thấy, doanh nghiệp này tiếp tục cắt giảm nhân sự. Tại 31/3, Novaland chỉ còn 1.034 người, giảm 57 người so với cuối năm 2023. So với cuối năm 2019, quy mô nhân sự tại Novaland giảm 1.213 người, tương đương giảm tới 54%.
Cuối quý I năm nay, Novaland ghi nhận 26,5 tỷ đồng phải trả người lao động. Trong đó, toàn bộ 26,5 tỷ đồng là nợ lương. Nợ tiền thưởng được xác định là 0 đồng. Song song với việc giảm nhân sự, 3 tháng đầu năm, Novaland ghi nhận khoản lỗ 601 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 410 tỷ đồng trong quý I/2023.
Ở năm 2023, số lượng nhân sự của Novaland giảm 313 người so với năm trước về còn 1.091 người. Mức lương bình quân năm 2023 của Novaland cũng giảm so với năm trước, về mức trung bình 35,6 triệu đồng. Đây là mức lương bình quân thấp nhất của doanh nghiệp bất động sản này trong 5 năm qua.
Tại thời điểm ngày 31/3, Novaland còn hơn 1.000 lao động, giảm 57 người so với cuối năm 2023. |
So với cuối năm 2023, nhân sự trong quý I của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services - mã chứng khoán: DXS) không có nhiều biến động. Tuy nhiên, quy mô nhân sự của công ty này đã giảm từ gần 6.100 người vào cuối năm 2021 xuống còn 3.340 người vào cuối năm 2022.
Đến cuối năm 2023, số lượng nhân viên Đất Xanh Services tiếp tục giảm thêm 1.065 người, chỉ còn hơn 2.270 nhân viên. Tính cả 2 năm qua, Đất Xanh Services đã giảm hơn 3.800 nhân viên. Tại ngày 31/3, Đất Xanh còn 2.275 nhân viên, không giảm so với cuối 2023.
Cuối 2023, Công ty CP Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC) có 35 nhân sự. Còn tại 31/3, Garmex Sài Gòn còn 34 người. Ở năm 2023, Garmex Sài Gòn đã mạnh tay cắt giảm 1.947 lao động. Vào năm 2022, Garmex Sài Gòn cũng giảm 1.828 việc làm. Như vậy, đã có 3.775 người bị mất việc ở Garmex Sài Gòn trong hai năm qua.
Nguyên nhân do đâu?
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - cho biết, do tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, công ty thiếu đơn hàng, sức mua thấp… khiến doanh nghiệp liên tục sa thải lao động.
Riêng với Thế giới Di động, ông Trần Anh Tuấn cho rằng việc sa thải hàng ngàn lao động là điều tất yếu. Bởi thời gian qua, Thế giới Di động ồ ạt mở cửa hàng, chạy đua theo số lượng nên bộc lộ nhiều bất cập, kết quả kinh doanh sa sút. Điều này khiến lãnh đạo Thế giới Di động không nhận lương, phải đóng hàng trăm cửa hàng.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Trần Anh Tuấn, Chính phủ cần cần phải tiếp tục kích cầu để tạo lực dẫn, hỗ trợ tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai... TPHCM nên tổ chức nhiều hoạt động giao dịch kết nối cung cầu lao động, việc làm theo các hình thức tuyển dụng trực tiếp lẫn trực tuyến.
Ông Tuấn cho rằng, hiện người lao động vẫn chưa an tâm về công việc, trong bối cảnh sản xuất chưa ổn định nên các doanh nghiệp phải có chuỗi chăm lo cho người lao động, bảo đảm việc làm lâu dài chứ không phải thu nhập, thưởng cao là có thể thu hút nhân sự, nhất là lao động trẻ tuổi.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ đó làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi từ việc làm, thị trường lao động và buộc cơ quan quản lý phải tăng cường cơ chế khảo sát nhu cầu nhân lực, có kế hoạch đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp cho sự phát triển kinh tế của TPHCM.
“Xu thế của thị trường lao động sắp tới, lao động không có nghề, tay nghề thấp sẽ bị yếu thế. Các đợt mất việc làm vừa qua cho thấy họ gặp nhiều khó khăn, tìm việc làm mới cũng gian nan. Nhà nước đã phải đưa ra chính sách an sinh xã hội, đào tạo lại. Chính việc đào tạo lại lao động sẽ thúc đẩy nguồn nhân lực thay đổi và lựa chọn việc làm không ở mức thấp nữa”, ông Tuấn nói.