Lý giải dòng tiền 'khủng' đang giao dịch cổ phiếu SHB từ đầu năm 2024
Kết phiên 11/1, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (sàn HoSE) tăng thêm 0,8% lên mức 12.100 đồng/cp qua đó nối dài chuỗi giao dịch tích cực lên con số 11 (gồm 9 phiên tăng giá và 2 phiên đứng tham chiếu).
Hôm nay, có thêm 46,1 triệu cổ phiếu SHB được sang tay. Đây cũng là phiên thứ 6 liên tiếp cổ phiếu VN30 này dẫn đầu thanh khoản trên toàn thị trường kể từ ngày 4/1.
Hiện P/B và P/E của SHB lần lượt là 0,9 và 5,9 lần - tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung |
Quan sát, dòng tiền vào cổ phiếu SHB bắt đầu tăng mạnh kể từ những phiên giao dịch đầu năm 2024. Chỉ tính từ ngày 2/1 tới nay, đã có khoảng 365 triệu đơn vị đã được các nhóm đầu tư sang tay (trung bình gần 45/8 triệu cp/phiên).
Tới đây, trong phiên giao dịch 12/1, hơn 94 triệu cổ phiếu khớp lệnh ngày 10/1 sẽ về tài khoản nhà đầu tư (giá trị tương ứng 1.130 tỷ đồng).
Trên đồ thị kỹ thuật, cổ phiếu SHB ghi nhận nhịp tăng ấn tượng sau 2 tháng tích lũy tại vùng giá quanh mốc 11.000 đồng/cp (đường EMA100). Đây cũng là thời điểm mã ghi nhận sự nhập cuộc trở lại cùng vị thế gia tăng của các dòng tiền lớn.
>> Sau VCB, BID, MBB, thêm cổ phiếu ngân hàng sắp vượt đỉnh lịch sử
Dấu ấn kinh doanh 9 tháng năm 2023
Xét về câu chuyện kinh doanh, 2023 là năm đặc biệt khi SHB đánh dấu cột mốc 30 năm hình thành và phát triển.
Từ mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng thời điểm mới chuyển đổi từ ngân hàng Nhơn Ái, SHB hiện có vốn điều lệ gần 37.000 tỷ đồng. Từ ngân hàng cỡ nhỏ, SHB hiện có quy mô nằm trong nhóm “Big 4 tư nhân”.
Sự bùng nổ giao dịch ngay những phiên đầu năm 2024 Dương lịch là dấu ấn thứ hai của cổ phiếu SHB kể từ thời điểm mã gia nhập chỉ số VN30 hồi đầu tháng 8/2023 (nhờ đáp ứng các tiêu chí quan trọng về vốn hóa, tỷ lệ free-float, tính thanh khoản cùng các yếu tố khác liên quan đến sự ổn định, vững mạnh của tổ chức).
Tổng tài sản ngân hàng SHB liên tục tăng trưởng qua các năm |
Quý III/2023, SHB ghi danh trong Top 17 doanh nghiệp báo lãi trước thuế lớn nhất thị trường chứng khoán với 2.425 tỷ đồng. Sau 9 tháng, con số hơn 8.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thậm chí đưa nhà băng này vào Top 11 doanh nghiệp lãi cao nhất thị trường - xếp trên nhiều tên tuổi như VNM, BSR, VPB, STB, VIB, TPB,...
Đóng góp vào kết quả kinh doanh 9 tháng chủ yếu đến thu nhập lãi thuần, đạt 13.325 tỷ đồng - tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh ngoại hối thậm chí ghi nhận lợi nhuận tăng ấn tượng 120%, đạt 245 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của SHB đạt 596.000 tỷ đồng - tăng 8,13% so với đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng đạt 430 nghìn tỷ đồng - tăng 10%; huy động vốn trên thị trường 1 đạt gần 475.000 tỷ đồng, trong đó riêng tiền gửi của khách hàng đạt hơn 424.000 tỷ đồng - tăng 19,8% so với cuối năm 2022.
SHB hiện là một trong bốn ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn hệ thống |
SHB cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN về tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, ngay từ đầu năm 2023, SHB đã đẩy mạnh việc cấp vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên phát triển như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, tài trợ chuỗi,…
Cùng với đó, SHB cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như giảm lãi suất vay từ 1-3%, ưu đãi về hạn mức, rút ngắn thủ tục, quy trình cấp tín dụng,… để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Quy mô các gói ưu đãi lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế, các khách hàng thân thiết và sử dụng nhiều dịch vụ của SHB.
Ngoài ra ngân hàng còn tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do NHNN chủ trì, các buổi làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, cùng tìm giải pháp để chung tay tay tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, công nghệ hiện đại vào quy trình cho vay nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, cấp tín dụng kịp thời cho khách hàng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
>> SHB lập kỷ lục hơn 93 triệu cổ phiếu được sang tay
Lăng kính đầu tư từ chuyên gia
Trong câu chuyện đầu tư cổ phiếu, trước mắt thị trường chứng khoán bắt đầu bị 'làm khó' bởi vùng cản 1.165-1.170 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau 3 tuần tăng giá mạnh từ 10-18% cũng xuất hiện áp lực chốt lời.
Phiên 11/1, cổ phiếu SHB hình thành mẫu nến rút đỉnh cho thấy trạng thái lưỡng lự của nhà đầu tư ngắn hạn.
Ông Vũ Đức Nam - Giám đốc phân tích Art Investor
Đánh giá về triển vọng đầu tư, chia sẻ trên Khớp lệnh trưa ngày 10/1, ông Vũ Đức Nam - Giám đốc phân tích Art Investor cho rằng, triển vọng nhóm ngân hàng năm 2024 là tương đối rõ nét; rủi ro trích lập dự phòng sẽ bớt "nặng gánh" hơn khi doanh nghiệp (khách vay) phần nào ổn định sức khỏe tài chính, kinh doanh so với năm 2023.
Tuy nhiên trước mắt, ông Trần Anh - Tư vấn đầu tư, CMT Level 2 - khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc với cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh nhóm đã có nhịp tăng tương đối mạnh, RSI hầu hết trong trạng thái quá mua. Theo vị chuyên gia, nhà đầu tư nên chờ nhịp điều chỉnh trước khi mở vị thế cho mục tiêu trung/dài hạn.
>> Chuyên gia chỉ điểm các động lực tăng trưởng cho cổ phiếu ngân hàng 2024
Xem thêm tại nguoiquansat.vn