M&A - công cụ hữu hiệu để ứng biến trong bối cảnh mới
Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) Ảnh: Đức Thanh |
Cụ thể, các doanh nghiệp thực hiện M&A trong thời gian diễn ra khủng hoảng tài chính có tỷ suất lợi nhuận tầm 6%, còn với doanh nghiệp không thực hiện M&A, tỷ lệ này khoảng -3%.
Lợi ích của việc sáp nhập bao gồm tính kinh tế theo quy mô, tăng doanh thu, giảm chi phí thông qua hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa bằng cách mở rộng ngành nghề kinh doanh và phạm vi địa lý.
Theo tờ Business Time, thương vụ Heineken mua lại nhà máy bia Scottish and Newcastle, diễn ra giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã giúp họ mở rộng phạm vi hoạt động sang Anh và tạo tiền đề cho một mảng kinh doanh mới.
Các định chế tài chính ngày càng phải đối mặt với nhu cầu giảm chi phí bằng cách kết hợp cơ sở khách hàng và cung cấp cho họ các dịch vụ chi phí thấp hơn thông qua tối ưu hóa mạng lưới chi nhánh. Việc Thomson mua lại Reuters đã mang lại khoản tiết kiệm chi phí gần 500 triệu USD chỉ trong vòng 3 tháng sau khi hoàn tất.
Động lực cho các thương vụ M&A liên quan đến việc mở rộng danh mục sản phẩm. Các thương vụ sáp nhập ngân hàng cũng với mục đích tối ưu hóa vốn. Với việc các cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng duy trì tỷ lệ vốn nhất định, các tổ chức tài chính ngày càng tìm kiếm các hoạt động kinh doanh liên quan đến phí, không giống như cho vay, không tiêu tốn nhiều vốn. Ví dụ, Ngân hàng Toronto-Dominion mua lại Headlands Tech Global có trụ sở tại Chicago (Mỹ), cho phép ngân hàng này tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ.
Ngành ngân hàng Việt Nam: Chờ đợi đợt tái cơ cấu mới
Tại Việt Nam, vấn đề đang thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư là thông tin Ngân hàng Nhà nước đã gửi báo cáo tới Quốc hội về tiến độ tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém dự kiến sắp có bước quan trọng. Các ngân hàng mua lại bắt buộc là CB Bank, Ocean Bank, GPBank lần lượt được Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao.
Ghi nhận ý kiến các chuyên gia phân tích mảng ngân hàng của công ty chứng khoán, thì ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang có số lượng ngân hàng được cho là đông so với quy mô của nền kinh tế. Xét về tốc độ hợp nhất trong ngành, Việt Nam có phần chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan…. Với quy mô của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, nên thu gọn lại, chỉ cần 8 - 10 ngân hàng lớn trụ cột là đủ. Bởi vậy, ngành ngân hàng Việt Nam cần trải qua quá trình sáp nhập trong dài hạn mạnh hơn nữa.
Ngành ngân hàng có đặc thù là phải thực hiện các chính sách tiền tệ, nên việc có quá nhiều ngân hàng có thể gây khó khăn trong việc chuyển tải chính sách vào nền kinh tế. Theo đó, số lượng ngân hàng giảm xuống sẽ góp phần giúp thực hiện chính sách tiền tệ nhanh và đủ lớn để quản lý dễ hơn.
Thường các hoạt động sáp nhập ngân hàng phải đến từ chính sách, còn Việt Nam đang ở giai đoạn để ngành ngân hàng phát triển tự nhiên, chưa có chính sách “mạnh” để thúc đẩy việc sáp nhập. Giai đoạn sáp nhập trước, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank); hay BIDV sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Còn giai đoạn hiện nay, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Invesment bank cho rằng, có thể có một đợt sáp nhập nữa. Nhìn ở góc độ sáp nhập trong hệ thống là cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao các ngân hàng (tái cơ cấu bắt buộc trong giai đoạn trước) cho các ngân hàng tư nhân để tiến hành tái cơ cấu. Có thể nhìn nhận đây là bước sáp nhập trong hệ thống ngân hàng. Việc sáp nhập này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý các ngân hàng yếu kém.
Còn ở góc độ các ngân hàng nhận về các ngân hàng yếu kém, ông Thành cho biết, việc này sẽ không ảnh hưởng tới cổ đông của mình. Cụ thể, sẽ không phải sáp nhập ngay các chỉ số tài chính của các ngân hàng yếu kém vào, nên cổ đông sẽ chưa thấy ảnh hưởng. Các ngân hàng có khung thời gian 7-8 năm để tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nếu ổn thì mới quyết định sáp nhập, nếu không thì bán lại. Nhưng khả năng cao sẽ là sáp nhập.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những hỗ trợ trong việc giao các chỉ tiêu tín dụng cao hơn cho các ngân hàng nhận tái cơ cấu, để qua đó có thể trích room tín dụng cho các ngân hàng yếu kém (để có doanh thu, thu nhập, từ đó xoá dần nợ xấu, xoá lỗ luỹ kế…).
Ghi nhận góc nhìn từ nhiều nhà đầu tư trên thị trường, có thể kỳ vọng những lợi ích tiềm năng khác, chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ nguồn vốn khi cần thiết. Và thị trường cũng đang kỳ vọng được nới room nước ngoài (theo hiệp định EVFTA, có 2 ngân hàng được phép mở room lên 49%).
Mới đây, thông tin trong Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt. Trong đó, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á, thì 3 ngân hàng còn lại là Xây dựng (CB Bank), Đại Dương (Ocean Bank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.
Đến thời điểm này, Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng trên.
Theo chia sẻ trong mùa đại hội đồng cổ đông năm 2024, Vietcombank đã hoàn thiện phương án, trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt việc nhận chuyển giao ngân hàng CB Bank. Ba ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MBBank, VPBank và HDBank. Các ngân hàng này cũng lên tiếng việc đã sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản và sẽ bắt tay vào tái cơ cấu ngân hàng ngay khi được chuyển giao.
Chẳng hạn, với MBBank, sẽ không sáp nhập ngân hàng, mà dự kiến nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng. Sau khi nhận về, ngân hàng này là ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Hết thời gian cơ cấu, MB mới tính đến việc có thực hiện sáp nhập, thoái vốn hay không.
Có thể có thêm nhiều thương vụ M&A, chuyển giao khác
Ngoài các thương vụ M&A, nhận chuyển giao bắt buộc trong ngành ngân hàng, ghi nhận sau giai đoạn Covid-19, vấn đề hoạch định tài chính doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, buộc phải huy động nguồn lực nước ngoài, thậm chí có nhiều thương vụ đổi chủ ngầm đang diễn ra. Thông tin mới nhất theo công bố của Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH), sau khi gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp đang nỗ lực tái cấu trúc tài chính, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp. Động thái rõ ràng nhất là việc Quỹ đầu tư Acuity Funding đồng ý tài trợ hàng trăm triệu USD và đã tham gia HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát của doanh nghiệp.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (mã CKG), sau khi tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2023 không thành công, thì đại hội đồng cổ đông năm 2024 diễn ra suôn sẻ, cho thấy sự đồng thuận cao của các nhóm cổ đông tại doanh nghiệp này. Ghi nhận của người viết, công ty này có sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và đang có động thái “dọn đường” để nới room ngoại từ 0% lên 49%. Đồng thời, dự kiến các nhóm cổ đông sẽ cùng “bắt tay” để huy động các nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, để vận hành, triển khai lại các dự án tiềm năng của Công ty. Trước thông tin tích cực, cổ phiếu CKG có phiên tăng trần ấn tượng (ngày 3/6).
Nhiều cuộc đổi chủ ở một số công ty chứng khoán (chưa thể tiết lộ danh tính thương vụ vì điều khoản bảo mật) cũng đã diễn ra, nhưng thách thức không kém là cuộc chuyển giao giữa nhóm chủ mới và cũ không nhanh như kỳ vọng. Kỳ vọng của nhóm mới là có thể “bơm” thêm nguồn lực tài chính, tuyển dụng nhân sự, đầu tư hệ thống để có thể tái cấu trúc công ty chứng khoán yếu kém, từng bước tiến tới tận dụng cơ hội lớn sắp tới như nâng hạng thị trường.
Xem thêm tại baodautu.vn