M&A nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng tốc
Hestia dự kiến đầu tư 210 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 7 triệu cổ phiếu của Nakydaco nhằm tham gia mảng bán buôn thực phẩm |
Nắm bắt thời điểm
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, nông nghiệp đang ấp ủ những kế hoạch lớn, nhưng khó khả thi. Thậm chí, không ít tên tuổi phải hoạt động cầm chừng, đối mặt nguy cơ rời khỏi thị trường. Đó là lý do vì sao số doanh nghiệp này tìm đến các đối tác, các “Mạnh Thường quân” về tài chính, tư vấn chiến lược để được “sống” tốt hơn.
Tuần qua, thông tin Công ty cổ phần Hestia (UPCoM: HSA) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường với nhiều nội dung liên quan hoạt động đầu tư sắp tới của doanh nghiệp gây chú ý.
Đầu tiên là việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần. Hestia dự kiến phát hành hơn 18 triệu cổ phần, gấp 2,3 lần số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tương đương tỷ lệ phát hành 229,4% (cổ đông sở hữu 1 triệu cổ phần được nhận thêm 2,3 triệu cổ phần mới). Cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng.
Việc phát hành sẽ thực hiện sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Công ty được nâng lên hơn 259 tỷ đồng. Công ty cho biết, sẽ sử dụng số vốn điều lệ tăng thêm cho mục đích bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.
Tiếp theo là việc đổi tên Công ty và địa chỉ trụ sở chính. Tuy nhiên, tài liệu Đại hội chưa hé lộ tên gọi cũng như địa chỉ mới của Hestia.
Không chỉ đổi tên, Hestia còn dự kiến thông qua ngành, nghề kinh doanh mới là bán buôn thực phẩm. Đáng chú ý, có 6 công ty liên quan đến lĩnh vực này mà Hestia dự kiến chuẩn bị đầu tư theo hình thức nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, Hestia dự kiến đầu tư 210 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 7 triệu cổ phiếu (30.000 đồng/cổ phiếu) của CTCP Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco), qua đó sở hữu 78,36% vốn của công ty này. Đây là công ty nổi tiếng trên thị trường với sản phẩm dầu ăn con két. Đầu tư 15,12 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 760.000 cổ phần (20,07% vốn) của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang (HGA).
Đầu tư 38 tỷ đồng để sở hữu 97,4% vốn điều lệ của Công ty TNHH Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Triều Phát. Đầu tư 19,8 tỷ đồng để mua 2 triệu cổ phiếu (99%) của CTCP Giống Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư 31,5 tỷ đồng để mua 3,15 triệp cổ phiếu (90%) của CTCP Thảo mộc xanh Cao Nguyên. Đầu tư 45 tỷ đồng để mua lại 4,5 triệu cổ phiếu (90%) của CTCP Trần Quang Gia Lai.
Để chuẩn bị cho việc lấn sân sang mảng nông nghiệp, bán buôn thực phẩm, Hestia đã thay đổi cơ cấu HĐQT. Công ty bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT để nâng số lượng thành viên HĐQT lên 5.
Được biết, Hestia chuyên về đầu tư tài chính, hoạt động tương tự mô hình quỹ khi huy động vốn từ cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu và sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào một số doanh nghiệp khác. Tiền thu được từ các công ty con sẽ chảy về cổ đông gián tiếp thông qua Hestia. Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc hiện tại của Hestia là ông Lã Giang Trung. Theo Báo cáo quản trị, tỷ lệ sở hữu của ông Trung ở Hestia tại thời điểm 30/6/2023 là 60,75%. Ông Trung có hơn 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính tại thị trường Việt Nam. Ông đã từng giữ chức vụ Giám đốc Khối cổ phiếu của Quỹ Bảo Việt với quy mô quản lý lên đến hàng ngàn tỷ đồng trước khi ra thành lập Passion Investment…
Lấy đà tăng tốc
Động thái bước chân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm của Hestia không lạ. Bởi thời điểm này, ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm ở Việt Nam đang trên đà “tăng tốc” với nguồn nguyên liệu trong nước đa dạng, độc đáo, chất lượng và đây cũng là điểm ngắm của các nhà đầu tư ngoại.
Thị trường M&A ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam đang khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Trong những năm qua, đã có nhiều thương vụ M&A ngành thực phẩm diễn ra và xu hướng này được dự báo còn tiếp diễn trong những năm tới.
Điển hình là các thương vụ CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia…
M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang tăng trưởng bền vững trong những năm trở lại đây. Dự kiến, M&A còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.
Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… được đánh giá là mang lại nhiều lợi thế về thị trường cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm phát triển.
Song nếu doanh nghiệp không chuẩn bị tốt để cạnh tranh với dòng sản phẩm thực phẩm chế biến đa dạng của các nhãn hiệu quốc tế, thì những doanh nghiệp nội có thể sẽ là “miếng mồi” trong phương thức thâm nhập và khai thác thị trường nội địa Việt Nam thông qua hoạt động M&A của các doanh nghiệp ngoại.
Diễn đàn M&A việt nam 2023
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (28/11/2023).
Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.
Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu, công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023. Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay, khách tham dự sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.
Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55
Xem thêm tại baodautu.vn