‘Ma trận’ phí thẻ tín dụng, cần làm gì để tránh thành 'con nợ', mất tiền oan?

Dư luận xã hội đang xôn xao trước thông tin một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng với số tiền nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng, sau gần 11 năm “quên” trả, dư nợ hiện tại đã lên tới 8,8 tỷ đồng. Vụ việc đã khiến nhiều khách hàng cảm thấy lo lắng khi sử dụng các dịch vụ tài chính từ ngân hàng.

Tá hoả vì bỗng dưng thành con nợ

Hiện nay, hàng loạt ngân hàng trong và ngoài nước đang chạy đua phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng cá nhân nhằm mở rộng hoạt động, tăng doanh thu trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng khá chậm. Tuy vậy, do chạy theo số lượng, không ít ngân hàng đã “quên” tư vấn chi tiết cho khách về các nghĩa vụ của họ khi sử dụng thẻ tín dụng và các loại phí mà khách hàng phải chi trả.

Vì vậy, ngay sau vụ khách hàng nợ từ 8,5 triệu đồng tại Eximbank sau 11 năm lên 8,8 tỷ đồng, nhiều khách hàng giật mình và kiểm tra lại thông tin với ngân hàng thì "tá hỏa" khi biết mình cũng là con nợ nhiều năm qua.

-1699-1710757374.jpg

Thẻ tín dụng không chỉ có một hay hai loại phí thông thường, mà có thể lên đến hàng chục loại phí khác nhau.

Anh Phạm Văn Hải (Nam Định) kiểm tra thẻ tín dụng đã được mở cả năm nay của mình dù không sử dụng. Và anh bất ngờ khi được biết mình phải trả gần 500.000 đồng tiền phí thường niên.

"Gần một năm trước, tôi được nhân viên ngân hàng mời chào mở thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu đồng. Do chưa hiểu rõ nguyên lý hoạt động của loại thẻ này, tôi đã từ chối. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thuyết phục rằng nếu mở thẻ mà không tiêu dùng thì cũng không mất gì nên tôi đã đồng ý. Ai ngờ bây giờ lại mất phí thường niên. May mà nhân vụ việc xảy ra ở Eximbank nên tôi kiểm tra sớm, nếu không thì khoản phí chắc chắn sẽ phình ra ngày một lớn", anh Hải nói.

Không chỉ có anh Hải, nhiều người gặp cảnh tương tự khi trở thành "con nợ" của một số ngân hàng. Theo chia sẻ của anh Duy Phương (TP.HCM), ngày 15/3 vừa qua, anh gọi đến tổng đài một ngân hàng kiểm tra thì được báo là anh đang nợ phí quản lý tài khoản hơn 1,6 triệu đồng. Theo giải thích, nếu số dư tài khoản dưới 300.000 đồng thì sẽ bị trừ 11.000 đồng/tháng. Khoản phí này được trừ đều từ năm 2015 tới nay. Đây là số tài khoản được mở giai đoạn 2012-2015 khi anh Phương còn làm ở công ty cũ và nhận lương qua ngân hàng nhưng sau đó chuyển công ty thì không sử dụng nữa.

"Làn sóng" kiểm tra tài khoản thẻ tín dụng cũng đang diễn ra khá sôi nổi trên mạng xã hội. Tại các hội nhóm, nhiều người nhắc nhau check tình trạng nợ xấu ngay cả khi không sử dụng thẻ tín dụng trong một thời gian dài. Không ít người chia sẻ họ sở hữu cùng lúc đến 3, 4 thẻ tín dụng do được ngân hàng mời chào, vì thế việc kiểm soát tài khoản không thể thường xuyên, nhất là trong trường hợp không dùng liên tục.

Như vậy, không chỉ bị nợ tiền sử dụng trong thẻ tín dụng mà nếu đã mở thẻ hay tài khoản thì khách hàng cũng có thể trở thành "con nợ" của các nhà băng.

Lãi suất cao chót vót

Theo tìm hiểu của VnBusiness, thẻ tín dụng không chỉ có 1 hay 2 loại phí thông thường, mà có thể lên đến hàng chục loại phí. Chẳng hạn: phí thường niên; phí rút tiền mặt, một số ngân hàng còn tính thêm lãi suất trên số tiền chủ thẻ đã rút ra; phí giao dịch quốc tế hay còn gọi là phí chuyển đổi ngoại tệ; phí phạt trễ hạn hay phí chậm thanh toán.

Chưa hết, ngân hàng cũng sẽ thu những loại phí khác khi chủ thẻ có yêu cầu như phí cung cấp lại bản sao kê, phí khiếu nại sai, phí thay đổi loại thẻ, phí thay đổi hạn mức, phí cấp chứng từ giao dịch, phí thông báo thẻ bị thất lạc, mất cắp, phí khiếu nại…

Bên cạnh đó, với các loại thẻ tín dụng, ngân hàng còn tính lãi quá hạn, phí phạt chậm trả rất cao. Chẳng hạn như HSBC, lãi suất niêm yết trên website là 36%/năm với thẻ tín dụng Premier World Mastercard; MBBank áp lãi suất 27% với MB Mastercard Hi Green; LPBank áp lãi suất thẻ tín dụng 28%/năm; ACB cũng áp lãi suất thẻ tín dụng lên tới 32%. Tại VPBank, biểu lãi suất dao động từ 2,7% - 3,99%/tháng; lãi suất thẻ tín dụng của HDBank dao động từ 28% - 36%/năm...

Và niêm yết là vậy, song một số khách hàng cho biết đang phải chịu lãi suất trong hạn trên 40%, thậm chí có trường hợp khách hàng lên tới 55%/năm (tùy mức độ rủi ro của khách hàng). Như vậy, nếu tính thêm lãi, phí trả chậm thì con số lãi suất sẽ đội lên không nhỏ.

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều ngân hàng hay chạy chương trình ưu đãi phí thường niên trong năm đầu phát hành thẻ nên nhiều người mở thẻ xong mà không dùng. Qua năm thứ hai, thẻ phát sinh phí thường niên. Điều vô lý ở đây mà đa số các ngân hàng hiện nay đang thực hiện đó là phí thường niên nếu khách hàng không đóng thì bị ghi nhận nợ.

Trước nghịch lý này, TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), đặt vấn đề: nếu khách hàng không đóng phí thường niên để duy trì sử dụng thẻ thì ngân hàng có thể cắt dịch vụ, chứ sao lại tính lãi phí này? Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên có quy định về những khoản phí đối với thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng.

"Hiện nay, các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng khá cao, có nơi gấp 8 lần lương, lương 10 triệu đồng có khi hạn mức lên 80 triệu đồng. Đối với người không quản lý được chi tiêu sẽ rơi vào cảnh nợ nần thẻ tín dụng, mà lãi suất thẻ tín dụng lúc nào cũng cao, có nơi lên đến 30%/năm. Chưa kể, chủ thẻ mà rút tiền mặt thì ngay lập tức bị tính phí 4% trên số tiền rút. Nếu cộng cả lãi và phí rút tiền thì rất cao", ông Huân lưu ý.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, thẻ tín dụng có nhiều lợi ích, miễn lãi tới 45 ngày, nhưng khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi sử dụng, tránh phát sinh nợ xấu.

Cách tra cứu thông tin tín dụng để tránh trường hợp "bỗng dưng dính nợ xấu"

Theo tư vấn của các chuyên gia ngân hàng, cách nhanh nhất để kiểm tra nợ xấu cá nhân là truy cập vào cổng thông tin của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thông qua địa chỉ website hoặc ứng dụng di động.

Đối với website: Người dùng truy cập vào website chính thức của CIC là https://cic.gov.vn/ hoặc App CIC Credit Connect và tiến hành đăng ký tài khoản bằng cách nhấn vào mục Đăng ký. Sau đó,

Bước 1: Truy cập ngay trang web cic.gov.vn kiểm tra nợ xấu > Tiến hành đăng ký tài khoản bằng cách nhấn vào mục Đăng ký bên góc phải trên cùng.

Bước 2: Người dùng nhập tất cả các thông tin cá nhân của mình theo biểu mẫu, bao gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, ảnh CMND/CCCD, đồng thời xác thực sinh trắc học khuôn mặt để đảm bảo sự trùng khớp với CCCD…

Bước 3: Hoàn tất đăng nhập bằng cách nhập mã OTP đã gửi đến số điện thoại mà bạn dùng để đăng ký.

Người dùng sau khi thực hiện tất cả các bước đăng ký sẽ phải chờ từ 1 đến 3 ngày để thông tin của mình được CIC xác nhận. Hệ thống sẽ gửi mail cho bạn về việc thông báo xác nhận thông tin.

Sau khi đăng ký thành công, khách hàng đã có thể tra thông tin tín dụng của mình. Báo cáo Thông tin tín dụng khách hàng vay cá nhân sẽ bao gồm các thông tin như: Thông tin quan hệ tín dụng hiện tại (số tiền vay và bên cho vay), thông tin lịch sử nợ xấu trong 5 năm gần nhất, thông tin về bảo đảm tiền vay, thông tin điểm tín dụng.

Ngoài đăng ký qua website, người dùng có thể tải App CIC Credit Connect về điện thoại di động và tiến hành đăng ký tài khoản bằng cách nhấn vào mục Đăng ký. Sau đó làm theo hướng dẫn như trên.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn