Màn đối thoại đầy ấn tượng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và cổ đông Vingroup

Sau năm 2024 thành công với doanh thu 189.068 tỷ đồng, tăng 17%, lãi sau thuế 5.276 tỷ đồng, tăng 156%, Vingroup (HoSE: VIC) đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 rất lớn với doanh thu 300.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.000 tỷ đồng. Đây đều là những kỷ lục của tập đoàn, với mức tăng trưởng rất cao. Do vậy, cổ đông băn khoăn về cơ sở hiện thực hóa kế hoạch này. Bên cạnh đó, cổ đông cũng đặt nhiều câu hỏi về hoạt động của các đơn vị thành viên như Vinpearl, VinFast, kế hoạch vốn của tập đoàn…

Ông Phạm Nhật Vượng đã có màn trả lời kéo dài 30 phút với khoảng 20 câu trả lời được đưa ra.

- Vinpearl khi nào sẽ niêm yết? Lĩnh vực kinh doanh chính đã có lãi chưa?

Ông Phạm Nhật Vượng: Tháng 4 sẽ xong thủ tục, tháng 5 sẽ niêm yết. Hoạt động cốt lõi là kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí đều có lãi và tăng trưởng tốt.

- Thị trường xe Việt Nam có quy mô 500.000 xe/năm, VinFast hướng tới đạt bao nhiêu % thị phần, tương ứng số xe/năm là bao nhiêu? Doanh số đó cách điểm hòa vốn bao xa?

Ông Phạm Nhật Vượng: Năm nay kế hoạch của VinFast là 200.000 xe, tương đương 40% thị phần, đây là thị phần cao nhất của một hãng xe tại Việt Nam từ trước đến nay. Nếu đạt được doanh số này thì đạt được điểm hòa vốn.

- Vingroup cân đối nguồn vốn cho việc phát triển các dự án lớn như thế nào?

Ông Phạm Nhật Vượng: Vingroup đang nghiên cứu và khả năng cao là mở thêm 2 trụ cột nữa (bên cạnh: công nghiệp – công nghệ, thương mại – dịch vụ và thiện nguyện xã hội) là hạ tầng và năng lượng.

Về hạ tầng, chúng tôi đang đăng kí với Chính phủ để tự đầu tư đường sắt cao tốc từ Phú Mỹ Hưng ra Cần Giờ (TP. HCM) và từ Hà Nội xuống Quảng Ninh. Ngoài ra, chúng tôi đăng kí nghiên cứu phát triển một số cảng biển. Đối với năng lượng, chúng tôi đăng kí tới năm 2030 sẽ phát trển khoảng 25,5GW điện tái tạo và LNG. Chúng tôi tham gia mạnh mẽ vào năng lượng vì Việt Nam đang thiếu năng lượng, nhất là năng lượng xanh.

Khi trước, tôi có chia sẻ về 3 lý do làm năng lượng xanh. Một là nhiều người nói rằng Vingroup làm xe điện nhưng chưa xanh, vì nguồn điện để sạc xe đến từ cả nhiệt điện, vậy ta làm điện xanh để xanh từ đầu đến cuối. Hai là nhiều người nói Việt Nam đang thiếu điện, càng làm xe điện thì Việt Nam càng thiếu điện, vậy chúng ta làm để thoải mái luôn. Ba là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam làm những dự án lớn, chung tay xây dựng đất nước. Vingroup là doanh nghiệp lớn, cần chung tay vào đó. Chúng tôi đăng kí làm những dự án lớn với tư duy đã làm thì phải làm lớn.

Về vấn đề vốn thì với 2 lĩnh vực mới trên, chúng tôi tạm phân bổ, tất nhiên còn xem phương án chi phí vốn nào tốt hơn thì sẽ làm. Ví dụ với LNG, tổng thầu có thể bỏ ra tới 90% vốn, nhưng chúng tôi định hướng chỉ cho họ bỏ 50% thôi, 35% sẽ là vốn ngân hàng, 15% sẽ là vốn tự có.

- Doanh số bán xe VinFast tại thị trường quốc tế như thế nào? Mục tiêu sắp tới là gì?

Ông Phạm Nhật Vượng: Thị trường quốc tế chưa đóng góp nhiều. Với thị trường quốc tế, chúng tôi chia làm hai loại. Một là loại “cắm cờ”. Loại này chúng tôi đã làm xong rồi, tại Mỹ, tại châu Âu, tại Canada. Chúng tôi không có kế hoạch đẩy mạnh doanh số ở các thị trường này vì chi phí logistics rất lớn, nhất là trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine đang tiếp diễn, và thuế phí lớn. Chúng tôi chỉ “cắm cờ” để chứng minh xe VinFast đạt chuẩn quốc tế, vào được những thị trường khó tính nhất.

Loại thị trường thứ hai là những thị trường VinFast có lợi thế như: Ấn Độ, Indonesia, Philippines… Đó là những thị trường có doanh số vượt trôi. Năm nay, chúng tôi bắt đầu khởi động, 30/6 tới sẽ khai trương nhà máy tại Ấn Độ, tháng 10/2024 sẽ khai trương nhà máy tại Indonesia. Tới năm 2026, số liệu doanh số bán hàng tại các thị trường này sẽ cho thấy sự khác biệt.

Trong tương lai, doanh số tại thị trường nước ngoài sẽ chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của VinFast.

- Chiến lược phát triển trạm sạc của VinFast tại thị trường quốc tế như thế nào?

Ông Phạm Nhật Vượng: Để bán được xe, ta phải đầu tư trạm sạc. Trạm sạc là chìa khóa. Tại các thị trường quốc tế, chúng tôi sẽ làm trạm sạc tương tự như thị trường Việt Nam để tạo sức cạnh tranh. Cái này đối thủ không dám làm vì mất nhiều tiền bạc và công sức.

- Xin hỏi về quan điểm đầu tư, dự án nào thì tập đoàn ưu tiên góp vốn, dự án nào chủ tịch ưu tiên góp vốn?

Ông Phạm Nhật Vượng: Cái gì ngon thì tập đoàn đầu tư, cái “xương” thì tôi đầu tư. Định hướng ngắn gọn thế thôi.

- Kế hoạch kinh doanh 2025 rất lớn, cơ sở nào để thực hiện được?

Ông Phạm Nhật Vượng: Kế hoạch rất lớn, có đạt được không thì không ai chắc chắn được, nhưng chúng tôi xác định một điều là không chỉ đạt mà còn phải vượt.

Cơ sở của kế hoạch là năm nay thị trường bất động sản phục hồi rõ rệt, cho nên doanh thu từ bất động sản sẽ tăng vọt. Hai là VinFast định hướng bán 200.000 xe/năm sẽ mang lại doanh số lớn, khác biệt so với năm trước.

Thực tế là Vingroup đã có kế hoạch chi tiết, đầy đủ. Kế hoạch đó rất thách thức nhưng chúng tôi quyết tâm làm bằng được. Biện pháp thì trong công bố thông tin cũng đã chỉ rõ rồi. Biện pháp giờ là cày ngày, cày đêm, quyết liệt, sáng tạo, đẩy xuôi không được thì đẩy ngược, ngược rồi xuôi, đó là khác biệt của Vingroup. Ta có nỗ lực khác thường.

- Dự án Vinhomes Green Paradise có tổng mức đầu tư rất lớn, Vingroup tính toán bài toán vốn đầu tư thế nào?

Ông Phạm Nhật Vượng: Tổng mức đầu tư của dự án này rất lớn, nhưng vốn tự có chỉ cần một phần và đó không phải vấn đề với Vingroup. Mặt khác, với các dự án lớn, chúng tôi có chính sách bán buôn, bán trước cho các nhà đầu tư ưu tiên. Vingroup có nhiều đối tác, từ Nhật, Singapore, Việt Nam muốn đầu tư vào đó.

Quan điểm của tôi: an toàn là bạn. Mấy năm qua, chúng tôi vượt qua khủng hoảng vì quản trị rủi ro nghiêm ngặt. Chúng tôisẵn sàng bán trước để cân đối phần lớn chi phí. Cơ hội thì rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là sống được để nắm lấy cơ hội đó chứ không phải ngồi đó ôm chặt cơ hội để rồi không quản nổi.

- Lợi thế cạnh tranh của VinFast là gì, nhất là trong bối cảnh xe Trung Quốc đang phát triển mạnh?

Ông Phạm Nhật Vượng: VinFast có 3 trụ cột cạnh tranh. Một là xe tốt. Hai là giá hợp lí. Ba là dịch vụ hậu mãi cực tốt. Về giá, chúng tôi liên tục nghiên cứu cải tiến, cải tổ để giảm chi phí, từ linh kiện, chi phí phát triển xe đến chi phí sản xuất, kinh doanh. Cho nên chúng tôi hoàn toàn tự tin cạnh tranh ngang ngửa với các hãng.

Thế mạnh vượt trội là tận tâm phục vụ khách hàng. Cái này hầu như các hãng bỏ qua. Tại Mỹ, người dùng xe Tesla muốn sửa xe phải chờ hàng tháng. Còn VinFast đang hướng tới chuyện sửa chữa trong 8 tiếng. Bây giờ khối hậu mãi của VinFast đều phải báo cáo tôi về trường hợp xe sửa chữa quá 8 tiếng. Mỗi ngày tôi nhận danh sách 5 – 7 xe sửa quá 8 tiếng. Nói vậy để thấy vấn đề hậu mãi của VinFast được quan tâm hàng đầu. Tôi tự tin VinFast không chỉ cạnh tranh mà còn phát triển tốt.

Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế: thỏ, gấu không so với voi được. Xe Trung Quốc kiểu gì cũng có thị trường, có miếng bánh to hơn chúng ta rất nhiều. Họ vẫn phát triển. Nhưng họ làm việc của họ, ta làm việc của ta. Thị phần đứng thứ 3, thứ 5 đã là rất tốt với VinFast rồi.

- Ban lãnh đạo cần có biện pháp để tăng niềm tin cho cổ đông nhỏ lẻ đang nắm giữ cổ phiếu VIC

Ông Phạm Nhật Vượng: Giữa vàng và cổ phiếu VIC thì chọn đầu tư VIC là đúng rồi. Chắc chắn với nỗ lực của cả tập thể, làm việc ngày đêm, quyết liệt, sáng tạo, thì từng bước, từng bước sẽ tạo ra giá trị, được công nhận về đẳng cấp. Tương lai chắc chắn sẽ có, nhưng như đi tàu có lúc sóng gió, nếu ta vội nhảy xuống biển thì khó bơi tiếp. Tôi tin cổ đông trung thành, dài hạn sẽ có được lợi ích mong muốn.

- Vừa rồi, Vingroup thoái vốn khỏi VinBigdata, VinAI. Tại sao tập đoàn không giữ lại?

Ông Phạm Nhật Vượng: Có 3 lí do. Một là khi bán cho Nvidia và Qualcomm, chúng tôi có điều kiện là họ phải đầu tư, phát triển tại Việt Nam. Đây là lí do chính. Như vậy, Việt Nam sẽ lôi kéo được các doanh nghiệp hàng đầu đến, tạo cơ sở cho việc phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Họ phải mở trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam, dùng người Việt Nam. Còn việc bán để có vài trăm triệu USD thì đó không phải điều Vingroup hướng tới.

Lý do thứ hai là việc của Vingroup không phải tạo ra công ty, tạo ra tài sản để nắm giữ mà là để thúc đẩy phát triển. Vì vậy, một công ty phát triển đến một mức độ nào đó thì hoàn toàn có thể bán đi để phát triển hàng chục, hàng trăm công ty khác. Tôi đã lập quỹ đầu tư mạo hiểm 100 triệu USD, để đầu tư vào các dự án khởi nghiệp về công nghệ. Ai thuyết trình được thì tôi cấp vốn. Vingroup có thể được một phần, có thể mất, nhưng đất nước sẽ được. Tôi cho rằng doanh nghiệp công nghệ phải phá sản vài lần thì mới lớn lên được. Nó như sàn đấu, người chưa thành công lần 1 thì cố gắng để thành công lần 2, lần 3. Càng thất bại nhiều thì các doanh nghiệp công nghệ càng có cơ hội thành công. Còn cứ mơ kì lân, kì đà ngay từ đầu thì sau đó kì lân, kì đà sẽ chết sạch.

Tóm lại, câu chuyện là thúc đẩy nền tảng lớn cho đất nước, tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Do đó, công ty cứ ổn, có người mua tốt, mang lại lợi ích chung thì chúng tôi bán chứ không cần giữ khư khư. Còn Vingroup cần họ làm điều gì thì kí hợp đồng. Đó là chiến lược để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ về khoa học công nghệ.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn