Mạnh tay hạ thêm lãi suất cho vay
Trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào, lãi suất tiền gửi và cho vay đi xuống nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng (NH), dẫn đến tín dụng tăng trưởng âm. Vấn đề này đang được dư luận xã hội quan tâm.
Doanh nghiệp tốt mới được vay "rẻ"
Theo NH Nhà nước, dư nợ tín dụng trên toàn hệ thống tính đến hết tháng 2-2024 giảm 0,72%. Nguyên nhân chính là đầu ra sản phẩm của nhiều DN bị thu hẹp, người dân giảm vay chi tiêu... dù lãi suất cho vay bình quân mới xoay quanh khoản vay 6,4%/năm, giảm 0,7 điểm % so với cuối năm 2023.
Khảo sát tại một số NH tại TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận lãi suất cho vay ngắn hạn (3 đến 6 tháng) phổ biến từ 4,3% - 7%/năm; cho vay trung và dài hạn (từ 12 tháng trở lên), lãi suất khoảng 6,8% - 10%/năm.
Điển hình, NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố gói cho vay 300.000 tỉ đồng, lãi suất thấp nhất 5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn. Theo đó, mức lãi suất đặc biệt cạnh tranh này được ưu tiên áp dụng đối với các DN xuất nhập khẩu sử dụng đa dạng sản phẩm, dịch vụ tại VietinBank, chuyển nguồn thu xuất khẩu về giao dịch tại NH này, khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên...
NH Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng triển khai gói tín dụng xanh 3.000 tỉ đồng, lãi suất từ 4,3%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm đối với thời gian vay trung và dài hạn. Đối tượng cho vay là các DN có dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực năng lượng, tài nguyên nước, chất thải, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, chuyển đổi xanh đáp ứng tiêu chí dự án xanh... Các DN có dự án hoặc phương án sản xuất - kinh doanh thuộc những lĩnh vực được cấp chứng chỉ xanh, chứng chỉ phát triển bền vững của các ngành dệt may, thủy hải sản và nông lâm nghiệp cũng được MSB ưu tiên tài trợ tín dụng.
Còn tại NH Nam Á (Nam A Bank), lãi suất cho vay thấp nhất là 6%/năm dành cho những DN tốt và các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên. "Với bối cảnh hiện nay, những khoản vay tiêu dùng hoặc khoản vay có rủi ro cao, NH sẽ giữ lãi suất ở mức cạnh tranh với các NH khác. Riêng cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên, NH sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới" - một phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất thấp nhất khi vay với số tiền lớn, tham gia nhiều dịch vụ tài chính mang lại lợi nhuận… Đồng thời, bên vay phải có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, bảo đảm nguồn thu trả nợ, có đủ tài sản thế chấp, không có nợ xấu...
Ngược lại, NH sẽ cho vay với lãi cao nhất khi khách hàng chỉ đáp ứng được điều kiện có đủ nguồn thu và tài sản thế chấp. Trong khi những DN không có tài sản thế chấp gần như không tiếp cận được tín dụng.
Rào cản tài sản thế chấp
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 14-3, nhiều DN phản ánh lãi suất cho vay còn cao, nhất là những khoản vay cũ gắn liền dư nợ hiện hữu.
Nhiều DN đang hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các DN nhỏ, phản ánh không vay được tiền do gặp phải rào cản về tài sản thế chấp. Đây là một yếu tố mà DN cần được hỗ trợ trong tiến trình tiếp cận vốn NH.
Một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thừa nhận không ít DN có doanh thu tốt, dòng tiền ổn định. Thế nhưng, nhóm DN này vẫn không vay được tiền NH do không có tài sản thế chấp hoặc giá trị tài sản không đủ bảo đảm cho khoản vay. "Để giải quyết 2 điểm nghẽn trên, Eximbank và nhiều NH khác đã tính đến phương án hỗ trợ DN theo hướng căn cứ vào dòng tiền, làm cơ sở cho vay tín chấp" - lãnh đạo Eximbank cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, thông tin hiện gần 1 triệu DN nhỏ và vừa rơi vào tình trạng thiếu vốn nhưng NH lại thừa tiền - một mâu thuẫn kéo dài chưa có giải pháp.
Cho rằng NH hạ chuẩn cho vay là không thể, vì không bảo đảm an toàn vốn nên theo ông Thân, nhà nước cần phải tìm hướng khác để hỗ trợ DN. "Ví dụ, chính sách tài khóa đang có những gói cho vay với lãi suất 1%/năm. Chính phủ có thể nghiên cứu phát huy hiệu quả những gói cho vay này. Từ đó, DN mới có thêm những nguồn vốn để tiếp cận" - ông Thân nói.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính - NH - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định cốt lõi việc hỗ trợ DN là NH giảm thêm lãi suất cho vay và nhà nước đứng ra bảo lãnh cho DN vay vốn. Khi đó, NH mới an tâm cho vay.
Theo ông Hiếu, các NH thương mại nên hủy bỏ trả thù lao cho một thành viên hội đồng quản trị hàng trăm triệu đồng/tháng. Việc này sẽ giảm thêm chi phí hoạt động để NH giảm thêm lãi suất cho vay. Thay vào đó, NH chỉ trả thù lao một số tiền khiêm tốn cho những người này theo từng cuộc họp. Bởi lẽ, các thành viên hội đồng quản trị là những người làm việc đột xuất, chỉ giúp đỡ NH trong việc định hướng kinh doanh.
Về bảo lãnh DN vay vốn, Chính phủ cần sửa đổi các quy định pháp luật về hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng phù hợp với thực tiễn. Vì hiện nay, pháp luật quy định hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố không được hao hụt về vốn. Điều này đã làm cho lãnh đạo các quỹ này sợ trách nhiệm dẫn đến hoạt động không hiệu quả. "Mặt khác, Chính phủ có thể trình Quốc hội thông qua việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia, số vốn hàng chục ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và được bổ sung vốn hằng năm. Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia phải hoạt động như một tổ chức tài chính chuyên nghiệp để đánh giá quy mô, năng lực, phương án sản xuất… nhằm bảo lãnh DN vay vốn các NH thương mại. Nếu vì một lý nào đó, DN mất khả năng trả nợ NH, Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia sẽ dùng vốn của mình để thanh toán cho NH thương mại. Sau đó, quỹ này sẽ làm việc với DN để thu hồi vốn" - ông Hiếu đề xuất.
Ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân
NH thương mại phải công bố lãi suất cho vay bình quân theo chủ trương của NH Nhà nước trước ngày 1-4, cũng là yếu tố để tạo áp lực giảm lãi cho vay trong thời gian tới. Hiện tại, một số NH và công ty tài chính bắt đầu công bố lãi suất cho vay bình quân.
Theo các chuyên gia tài chính, khi lãi vay được công bố công khai sẽ có sự so sánh, giám sát từ thị trường, khách hàng... để NH chủ động giảm thêm chi phí hoạt động, từ đó giảm thêm lãi suất.
Xem thêm tại cafef.vn