MB tiết lộ kế hoạch 'vực dậy' OceanBank sau khi nhận chuyển giao và đổi tên

Chiều 10/1, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – Mã: MBB) đã tổ chức hội nghị nhà đầu tư nhằm công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng MB cho biết, trong năm 2024, doanh thu của MB tăng khoảng 21%, đạt 47.400 tỷ. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của MB dự kiến đạt 28.800 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đại diện MB, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 thấp hơn do ngân hàng chú trọng vấn đề quản trị rủi ro và tăng cường trích lập dự phòng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mở rộng.

Cũng trong năm 2024, tín dụng tăng trưởng 24,3%, mức cao nhất toàn ngành. Ngoài ra, trong năm vừa qua, MB đã tích cực mở rộng danh mục tín dụng ngắn hạn nhằm tăng cường quay vòng vốn, quản trị rủi ro và gia tăng nguồn thu phí.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của riêng ngân hàng mẹ đạt trên 1,04 triệu tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tỷ lệ NPL của riêng ngân hàng MB là 1,2% với tỷ lệ bao phủ 112%. Dự kiến, NPL hợp nhất của MB khoảng 1,7% và LLR ở mức trên 100%. NIM giảm 0,5 điểm %.

MB và nhiều công ty con báo lãi trong năm 2024.

Về các công ty thành viên, lợi nhuận trước thuế của MBS ước lãi 930 tỷ đồng, MCredit lãi 61 tỷ đồng, AMC lãi 648 tỷ đồng, MIC lãi 303 tỷ đồng, MBAL lãi 110 tỷ đồng, MBCapital lãi 71 tỷ đồng và MBCambodia lãi 5 tỷ đồng. Trong đó, thị phần của một số công ty thành viên của MB tăng khả quan, chẳng hạn như MCredit đứng top 3 các công ty tài chính tiêu dùng, MSB đứng top 7 về thị phần môi giới chứng khoán năm 2024.

Theo đại diện MB, trong năm 2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 8 – 10%, điều này sẽ giúp ngành ngân hàng sẽ dễ thở hơn khi có nhiều dư địa hơn, trong đó, tăng trưởng tín dụng của MB có thể sẽ dao động quanh ngưỡng 25 – 26%.

Trả lời câu hỏi về tình hình của Ngân hàng MBV sau khi chuyển giao bắt buộc, đại diện MB cho hay: “Kể từ thời điểm nhận chuyển giao đến nay, MB đã cử đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm cũng như triển khai nhiều công nghệ để nhanh chóng kiện toàn bộ máy của MBV. Với những thay đổi này cùng với sự tích cực của thị trường, MBV được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi, quay trở lại thành một ngân hàng kinh doanh lành mạnh”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho hay: “Để giúp vực dậy MBV, MB đã đưa lực lượng tương đối tinh nhuệ sang MBV. Đồng thời, MB cũng đã bán dư nợ sinh lời qua cho MBV và MBV được dùng dư nợ đó để vay Chính phủ và NHNN khoản tiền tương đối lớn với lãi suất bằng 0, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho MBV”.

Ông cũng khẳng định việc bán dư nợ cho MBV không làm ảnh hưởng đến tài sản sinh lời của MB.

Trong năm 2024, nhờ nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng OceanBank (nay là MBV), MB đã được nới room tín dụng lên mức cao nhất toàn ngành. Ngoài ra, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024, các ngân hàng tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ được nới room ngoại.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Như Ánh, MB không có kế hoạch nới room ngoại và hiện ngân hàng vẫn chưa dùng hết room ngoại được giao.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn