MBS báo lãi tăng gấp đôi, dư nợ cho vay margin cao kỷ lục
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV với các chỉ tiêu tài chính đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch tham vọng đề ra đầu năm, kết quả kinh doanh cả năm mới chỉ hoàn thành 79,6% mục tiêu. Dù vậy, với việc tăng vay nợ và mở rộng mạnh mẽ, quy mô tài sản của Chứng khoán MB đã tăng lên 15.325 tỷ đồng, mức cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.
Riêng trong quý IV, MBS thu về xấp xỉ 540 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, hai mảng kinh doanh chính từ nghiệp vụ môi giới và lãi từ các khoản cho vay đều tăng 26% so với cùng kỳ, lần lượt đóng góp 220 tỷ đồng và 171 tỷ đồng. Tính chung cả năm, doanh thu môi giới và từ các khoản cho vay ký quỹ vẫn đi lùi so với năm 2022. Đây vẫn là hai “kiềng chân” đóng góp lớn trong tổng doanh thu với tỷ trọng quý IV và cả năm lần lượt là 72,4% và hơn 70%.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Chứng khoán MB thu về 201 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV, gấp đôi con số đạt được cùng kỳ. Nhờ cú bứt phá ở quý IV, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 716 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022. Tuy vậy, so với kế hoạch tham vọng 2.700 tỷ đồng doanh thu và 900 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra đầu năm, kết quả kinh doanh cả năm mới chỉ hoàn thành lần lượt 67% và 79,6% mục tiêu.
Kế hoạch năm 2023 được đặt ra trong bối cảnh công ty chứng khoán này đã hoàn tất phương án tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu hồi quý III/2022. Quy mô vốn điều lệ tiếp tục tăng lên 4.377 tỷ đồng sau đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 và nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu mới đây.
Trong quý IV, số lượng tài khoản đóng tại MBS tăng vọt với hàng trăm nghìn nhà đầu tư quyết định đóng tài khoản, đặc biệt ở tháng 10 và 11. Như trong tháng 10/2023, hơn nửa triệu tài khoản chứng khoán đóng trong tháng 10, tới 99,7% từ MBS. Tuy nhiên, quý IV lại ghi nhận sự mở rộng mạnh mẽ về quy mô của công ty chứng khoán này.
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của MBS đã tăng lên 15.325 tỷ đồng, gấp rưỡi đầu năm và là mức cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động. Tài sản tăng lên chủ yếu do công ty cấp thêm gần 5.500 tỷ đồng dư nợ cho vay margin trong năm 2023, tập trung tăng mạnh ở quý II và quý IV vừa qua.
Nguồn vốn tài trợ tăng thêm đa phần từ đi vay các tổ chức tín dụng, tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng thương mại trong nước như Techcombank, HDBank, VIB...
Trong khi dành nguồn vốn lớn để gia tăng mạnh mẽ các khoản vay margin, MBS thu hẹp đáng kể danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ, chủ yếu do giảm chứng chỉ tiền gửi từ 2.611 tỷ đồng xuống 480 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của MBS đạt 636 tỷ đồng, tương đương 14,5% vốn điều lệ.
Xem thêm tại baodautu.vn