‘Mỏ vàng tỷ đô’ mang lại triển vọng tăng trưởng vững chắc cho doanh nghiệp ngành IT

Mới đây, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset đã dự phóng doanh thu của CTCP FPT trong năm 2024 sẽ đạt 61.769 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2023) và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 7.621 tỷ đồng (tăng 18,7%).

Điểm sáng của ngành IT

Còn trong kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 mà FPT vừa công bố cho thấy, doanh thu đạt 52,6 nghìn tỷ đồng (tăng 19,6% so với năm 2022) và lợi nhuận trước thuế là 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1%.

-6301-1706005475.png

Nhu cầu lớn từ nền kinh tế số giúp mang lại triển vọng tăng trưởng vững chắc trong dài hạn cho các DN Việt ở mảng IT.

Trong đó, mảng công nghệ của công ty này ghi nhận có tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu 31.449 tỷ đồng (tăng trưởng 22,1%), nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ từ mảng dịch vụ IT toàn cầu (tăng 28,4%), lợi nhuận trước thuế tăng 23,6%, đạt 4,1 nghìn tỷ đồng.

Để có được những con số ấn tượng như vậy, theo giới phân tích, đó là nhờ FPT đã chuyển đổi sang chiến lược tập trung vào hợp đồng có giá trị lớn trong mảng IT toàn cầu và IT trong nước đã đem lại kết quả tích cực.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp (DN) này còn quyết liệt mở rộng thị trường thông qua mua bán sáp nhập (MA) trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng. Đơn cử như việc mua lại 3 công ty Mỹ và 1 công ty EU trong năm 2023, nhờ đó tăng cường đáng kể khả năng công nghệ và năng lực bán hàng.

Từ “điểm sáng” của một DN hàng đầu như vậy với bước tiến hiện tại đã trở thành DN Việt đầu tiên vào nhóm DN công nghệ thông tin tỷ USD toàn cầu, được kỳ vọng sẽ là động lực để các DN nội địa khác trong lĩnh vực IT của Việt Nam sẽ vươn xa hơn nữa trong thời gian tới.

Nhất là khi lĩnh vực IT tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Theo dự kiến trong năm 2024, mục tiêu doanh thu công nghiệp ICT (gồm IT và truyền thông) của Việt Nam sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) và năm 2025 lên mức 3.828.160 tỷ đồng (157,1 tỷ USD).

“Cửa sáng” của lĩnh vực IT được thúc đẩy bởi ba yếu tố. Thứ nhất là tăng trưởng trong nước từ nhu cầu số hóa cả DN tư nhân và lĩnh vực công. Thứ hai là xuất khẩu phần mềm, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trung tâm cung ứng dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) về công nghệ thông tin giữa xu hướng chuyển đổi số toàn cầu. Thứ ba là sản xuất chip với cơ hội mới được khai thông trong lĩnh vực sản xuất chip (sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, triển vọng cho sự hợp tác sản xuất chip trong tương lai giữa Mỹ và Việt Nam đã trở nên tích cực hơn).

Theo Mirae Asset, kinh tế số Việt Nam dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) bình quân 31% trong giai đoạn 2022-2025 và 19% trong giai đoạn 2025-2030, trong đó cloud computing (điện toán đám mây) và dịch vụ công nghệ thông tin sẽ đóng vai trò quan trọng.

Nên biết thêm, trong Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025 với tầm nhìn đến năm 2030, có đưa ra hai mục tiêu trọng yếu. Thứ nhất là đưa Việt Nam vào danh sách 50 quốc gia hàng đầu thế giới về Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử của Liên Hợp Quốc (E-GDI). Thứ hai là đảm bảo nền kinh tế số chiếm 30% GDP của đất nước vào năm 2030.

Cơ hội sẽ đến nhiều hơn nữa

Ngoài ra, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud (đám mây) ở Việt Nam được dự báo là lớn, dư địa nhiều cho phát triển. Thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam được ước tính tăng lên 1,04 tỷ USD trong năm 2023, tăng từ mức 561 triệu USD vào năm 2022 và đạt tốc độ tăng trưởng kép là 10,7%. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.

Nhờ đó, các DN trong lĩnh vực IT càng có triển vọng vững chắc trong dài hạn. Mặt khác, những dự báo mới nhất cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc về xuất khẩu phần mềm với lợi thế về nhân lực để thâm nhập vào thị trường dịch vụ IT toàn cầu.

Nhất là khi Việt Nam được xếp hạng thứ 7 trong số 78 quốc gia được xếp hạng trong chỉ số Vị trí Dịch vụ Toàn cầu Kearney năm 2023, tập trung vào việc outsourcing IT (việc thuê ngoài một công ty chuyên cung cấp dịch vụ IT để thực hiện quản lý, bảo trì và điều hành mảng IT).

Giới phân tích cho rằng cơ hội sẽ đến nhiều hơn cho các doanh nghiệp mảng IT của Việt Nam khi thị trường Mỹ và EU trong năm 2024 sẽ phục hồi về nhu cầu chi tiêu cho lĩnh vực này. Bởi lẽ, Mỹ và EU vẫn là khu vực đứng đầu thế giới trong đầu tư cho IT.

Theo đánh giá của IDC (công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn công nghệ tại Mỹ), chi tiêu cho chuyển đổi số tại EU sẽ tăng trưởng nhanh với mức CAGR 16% cho giai đoạn 2023-2027.

Vì vậy, triển vọng cho các DN công nghệ thông tin của Việt Nam tại EU còn lớn, đặc biệt là với năng lực cạnh tranh về chi phí nhân sự sẽ mở rộng thâm nhập vào 2 thị trường Mỹ và EU trong năm nay.

Không những thế, với tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quyết định thành công kinh doanh, dự kiến theo dự báo của Gartner, chi tiêu cho lĩnh vực IT trong 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5,1 nghìn tỷ USD. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ IT được cho là sẽ tăng trưởng lần lượt 13,8% và 10,4%.

Như đánh giá gần đây của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBSV, về dài hạn, chi tiêu cho lĩnh vực IT sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đó là sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các DN, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu. Bên cạnh đó là thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin. Ngoài ra, Chính phủ các nước cũng ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới.

Nhìn chung, với những nhận định, dự báo tích cực như nêu trên thì tin rằng, các DN Việt trong mảng IT sẽ có bước tăng trưởng vững chắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, họ không được chủ quan mà cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về thực lực để đón nhận các cơ hội thu về hàng tỷ USD từ thế giới số trong giai đoạn tới.

Thế Vinh

Xem thêm tại vnbusiness.vn