Một doanh nghiệp ngành thép lỗ gần 1 tỷ USD liên tiếp trong hai năm

Theo Báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn nhựa Formosa, doanh thu của các đơn vị thành viên đang hoạt động tại Việt Nam đạt khoảng 141,5 tỷ Đài tệ (hơn 110.000 tỷ đồng), giảm 10,5% so với kết quả của năm 2022.

Trong đó, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chủ đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh) ghi nhận doanh thu khoảng 124,5 tỷ Đài tệ, giảm 3,2% so với cùng kỳ và lỗ khoảng 20,1 tỷ Đài tệ (hơn 15.700 tỷ đồng). Mức lỗ này đã cao gấp đôi mức 10 tỷ Đài tệ của năm 2022 hay so với mức lãi gần 33,5 tỷ Đài tệ năm 2021.

-2800-1720521157.jpg

Trong 2 năm vừa qua, số lỗ của Formosa Hà Tĩnh đã gần ngang bằng so với mức lãi lớn trong năm thuận lợi bậc nhất của ngành thép 2021.

Như vậy, tổng mức lỗ trong 2 năm gần nhất của Formosa Hà Tĩnh là hơn 30 tỷ Đài tệ (tức khoảng 23.500 tỷ đồng hay xấp xỉ 1 tỷ USD).

Tổng cộng trong 2 năm vừa qua, số lỗ của Formosa Hà Tĩnh đã gần ngang bằng so với mức lãi lớn trong năm thuận lợi bậc nhất của ngành thép 2021.

Giải thích nguyên nhân lỗ nặng trong năm 2023, Formosa Hà Tĩnh cho biết năm qua, thị trường bất động sản Trung Quốc trì trệ và nhu cầu thấp trong năm 2023 dẫn đến làn sóng bán phá giá với sản lượng lớn tại khu vực Đông Nam Á. Công ty đã phải giảm giá để cạnh tranh trong khi đó giá nguyên liệu thô đầu vào giảm không nhiều.

Điểm sáng kinh doanh Formosa Hà Tĩnh trong năm ngoái là đã phát triển tốt thị trường xuất khẩu, điển hình là thâm nhập thành công vào thị trường châu Âu và Mỹ.

Số lỗ của Formosa Hà Tĩnh cũng đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh trong năm ngoái, khi công ty này là một trong những công ty FDI nộp thuế nhiều nhất tại Hà Tĩnh.

Thực tế giai đoạn 2022 – 2023, không riêng gì Formosa Hà Tĩnh, các doanh nghiệp ngành thép trong nước đối diện với loạt khó khăn chồng chất do nhu cầu thép toàn cầu suy giảm, đặc biệt tại Trung Quốc khi thị trường bất động sản của đất nước tỷ dân rơi vào trầm lắng.

Năm 2022, Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) – doanh nghiệp thép có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán báo lãi 8.444 tỷ đồng, chưa bằng 1/4 năm trước đó. Năm 2023, lợi nhuận của tập đoàn này giảm còn 6.800 tỷ đồng.

Kết quả các doanh nghiệp thép hàng đầu khác như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) hay Thép Nam Kim (Mã: NKG) cũng chứng kiến tình cảnh tương tự.

Có một thực tế, phải nhìn nhận rằng ngành thép đang chứng kiến sự phân hóa cao khi các doanh nghiệp đầu ngành tận dụng được những tín hiệu tích cực ít ỏi, trong khi các đơn vị nhỏ hơn gặp nhiều thách thức về dòng tiền dẫn đến rơi vào vòng xoáy nợ.

Bức tranh kinh doanh của ngành thép trong quý I/2024 chứng kiến sự phân hóa rõ rệt khi phần lớn sự phục hồi tập trung ở các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen; còn các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Theo thống kê của VPBankS Research, ngoại trừ 3 công ty Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen, doanh thu các công ty thép còn lại trên thị trường chứng khoán giảm 15%. Xét về số lượng, khoảng 63% số doanh nghiệp (bao gồm cả sản xuất và thương mại) bị sụt giảm nguồn thu.

Gần đây, cổ phiếu ngành thép đồng loạt tăng mạnh sau khi Việt Nam có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép mạ (còn được gọi là tôn mạ) đến từ nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc. Trước đó, HPG và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có yêu cầu điều tra...

Các chuyên gia trong ngành kỳ vọng, đây sẽ là động lực giúp tăng giá cổ phiếu cũng như bức tranh kinh doanh ngành thép tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 – 2025.

Hồng Hương

Xem thêm tại vnbusiness.vn