Một mã chứng khoán “bốc hơi” hàng chục phần trăm sau khi công ty bất ngờ đóng toàn bộ chi nhánh, phòng giao dịch
9 phiên gần nhất chứng khiến đà lao dốc của cổ phiếu Công ty Cổ phần Chứng khoán APG (mã APG). Thị giá chìm trong sắc đỏ và xanh “sàn”, bay gần 21% giá trị và rơi xuống mức 7.170 đồng/cp trong phiên sáng 25/12. Đây là mức giá thấp nhất 20 tháng của cổ phiếu này. Thanh khoản trong giai đoạn gần đây được đẩy lên cao với khối lượng cổ phiếu được sang tay mỗi phiên quanh ngưỡng 1 triệu đơn vị.
Nếu so với đầu năm 2024, thị giá APG đã giảm 41%; còn tính từ đỉnh lịch sử thiết lập đầu tháng 1/2022 thì tới nay cổ phiếu chứng khoán này đã bốc hơi hơn 65% giá trị.
Giao dịch nội bộ ghi nhận TV HĐQT Võ Qúi Lâm vừa đăng ký bán ra 200 nghìn cổ phiếu APG, thời gian giao dịch dự kiến từ 19/12 đến 17/1/2025. Trong tháng 10, ông Lâm vừa hoàn tất bán ra hơn 243 nghìn cổ phiếu, giảm sở hữu về còn hơn 968 nghìn đơn vị như hiện tại.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồ Hưng đã bán trọn 5 triệu cổ phiếu APG, hạ sở hữu từ 11,78 triệu cổ phần xuống còn 6,78 triệu cổ phần, tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,27% xuống còn 3,03%. Hiện ông Nguyễn Hồ Hưng không còn là cổ đông lớn của APG.
Đóng cửa toàn bộ chi nhánh và phòng giao dịch, lỗ đậm nhất ngành chứng khoán quý 3
Không chỉ cổ đông nội bộ liên tục thoái vốn, gần nhất, Chứng khoán APG đã có thông báo về việc đóng cửa Chi nhánh Hồ Chí Minh (địa chỉ: TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) và Phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế (địa chỉ: Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Nghị quyết APG nêu rõ đây là hoạt động thực hiện tái cấu trúc công ty, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch.
Theo tìm hiểu, Chi nhánh Hồ Chí Minh của Chứng khoán APG đườc thành lập vào tháng 11/2021. Đến tháng 7/2024, UBCKNN chấp thuận cho APG dời địa điểm đặt chi nhánh về TP. Thủ Đức, TP. HCM như hiện tại. Còn Phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế được UBCKNN chấp thuận thành lập vào tháng 1/2022.
Cùng với việc đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, HĐQT APG cũng quyết định miễn nhiệm chức danh Giám đốc CN TPHCM và chấm dứt hợp đồng lao động với bà Lê Thị Trà kể từ thời điểm APG được UBCKNN cấp văn bản chấp thuận việc đóng cửa.
Hoàn tất việc đóng cửa, Chứng khoán APG chỉ còn hoạt động với một trụ sở chính đặt tại tòa nhà Grand Building (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo APG khi đó cho biết đang lên kế hoạch tìm kiếm, đầu tư mặt bằng cơ sở hạ tầng làm trụ sở, văn phòng chi nhánh, hướng đến những địa điểm vị trí thuận tiện và dễ tiếp cận đối với khách hàng và nhân viên, tại các quận trung tâm thành phố - nơi có nhiều các đơn vị tài chính - ngân hàng khác. Nguồn lực được Công ty sử dụng từ vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về tình hình kinh doanh, Chứng khoán APG là cái tên lỗ đậm nhất ngành trong quý 3/2024 vừa qua với khoản lỗ trước thuế tới 148 tỷ đồng, xoá tan thành quả lợi nhuận 6 tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, APG lỗ hơn 86 tỷ, qua đó khiến mục tiêu lãi ròng 239 tỷ trong năm 2024 trở nên khó khăn. Công ty không có lãi từ tài sản FVTPL, nhưng lỗ từ tài sản FVTPL lên tới 160 tỷ.
Xem thêm tại cafef.vn