Một ngành có cơ hội nhận hàng tỷ USD đổ vào, số doanh nghiệp Việt Nam liên quan trên sàn chứng khoán "đếm trên đầu ngón tay", giá cổ phiếu bật tăng mạnh

Lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm lớn, nhiều tên tuổi như Samsung, Intel, Amkor Technology, Synopsys đã đầu tư hàng lớn vào xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, không dừng lại ở việc trở thành điểm đặt nhà máy và gia công, lắp ráp, Việt Nam còn định hướng tới sự tự chủ trong các khâu từ thiết kế tới sản xuất quy mô lớn. Hiện, số lượng tổ chức và doanh nghiệp trong ngành chip vi mạch bán dẫn Việt Nam phần lớn tập trung vào các trường đại học kỹ thuật hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất. Song, vẫn có một số doanh nghiệp Việt trên sàn chứng khoán đã công bố nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như Tập đoàn FPT hay Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG) . Mặt khác, một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn là phốt pho cũng sẽ tăng giá mạnh nhờ nhu cầu gia tăng. Do đó, Hoá chất Đức Giang (DGC) cũng sẽ hưởng lợi lớn khi đây hiện là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất châu Á về phốt pho vàng.

Một ngành có cơ hội nhận hàng tỷ USD đổ vào, số doanh nghiệp Việt Nam liên quan trên sàn chứng khoán "đếm trên đầu ngón tay", giá cổ phiếu bật tăng mạnh - Ảnh 1.

Trên thị trường hầu hết những cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp trên đều có nhịp tăng tốt và giao dịch trên vùng giá cao nhất nhiều tháng. Tính từ đầu năm 2023 tới nay, thị giá FPT ghi nhận mức tăng 48% và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử sát ngưỡng 100.000 đồng/cp. Tương tự, DGC cũng hồi phục tới 62% từ đầu năm lên mức 94.000 đồng/cp, vùng giá cao nhất 1 năm. Mã CMG thì tăng 22% sau hơn 9 tháng và đạt mức 48.800 đồng/cp.

Một ngành có cơ hội nhận hàng tỷ USD đổ vào, số doanh nghiệp Việt Nam liên quan trên sàn chứng khoán "đếm trên đầu ngón tay", giá cổ phiếu bật tăng mạnh - Ảnh 2.

Cơ hội tỷ USD cho ngành công nghệ bán dẫn Việt Nam

Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển và tạo đột phá cho ngành công nghiệp bán dẫn. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghiệp chip bán dẫn, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Đây được xem là bước tiến quan trọng của Việt Nam để có thể phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu của các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, chip bán dẫn trị giá hàng trăm tỷ USD.

Tham gia và trở thành một mắt xích trong thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam được đánh giá sẽ có được hàng loạt cơ hội tỷ USD nhờ dòng vốn đầu tư chảy vào. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS, thành viên Tập đoàn FPT) cho biết thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép vào khoảng 6,52% mỗi năm.

Ông Minh cũng cho biết FPT dự kiến sẽ đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn theo kế hoạch phát triển nguồn lực quốc gia nêu trên. Vị này tự tin khẳng định “FPT sẽ trở thành người dẫn đầu về chip bán dẫn”.  Trước đó vào năm 2022, FPT đã công bố thành lập FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch và đến nay sản phẩm của chip nguồn đã qua giai đoạn R&D đến giai đoạn sản xuất hàng loạt (production phase) và đặt kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào hai năm 2024 và 2025.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC cho biết doanh nghiệp này đã có sản phẩm thương mại hoá nhưng ẩn phía sau như camera nhận diện khuôn mặt, công nghệ nhận dạng được cứng hóa đúc vào PC figa và nếu có sản lượng lớn sẽ thuê đơn vị thứ 3 đúc ra con chip của mình.

Dragon Capital trong báo cáo gần đây đã đánh giá việc nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Hoa Kỳ thúc đẩy việc tái thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn sang các nước thân thiện. Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng đã từng nhấn mạnh Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Vì vậy, đây là một sự kiện lịch sử thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam và có thể thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong vài năm tới.

"Các doanh nghiệp như FPT và DGC là những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi đặc biệt khi tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn mà chuyến thăm này có thể mang lại", Dragon Capital nhận định.

Triển vọng tích cực, kết quả kinh doanh dự báo tăng trưởng mạnh

Trong một báo cáo phân tích, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đánh giá mảng dịch vụ CNTT quốc tế của FPT đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 30% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm, trong khi khối Kinh doanh quốc tế (phụ trách dịch vụ xuất khấu phần mềm) của CMG cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 62% so với cùng kỳ cho năm tài chính 2022. Cả FPT và CMG đều được hưởng lợi phần lớn từ các thị trường châu Á khi các doanh nghiệp tại đó đang đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi số vốn được cho là bị tụt hậu so với các đối thủ trên thế giới trong thời kỳ đại dịch.

Riêng tại Tập đoàn FPT , VDSC đánh giá hoạt động xuất khẩu phần mềm sẽ là đầu tàu tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kép 3 năm của LNST giai đoạn 2023 - 2026 của FPT có thể đạt 23% nhờ lợi thế cạnh tranh về chi phí thấp cùng lượng nhân công lớn trải khắp các múi giờ của FPT Software. Thêm vào đó, xu hướng áp dụng chuyển đổi số vẫn tăng trưởng cao sẽ giúp đảm bảo doanh số mảng xuất khẩu phần mềm trong tương lai.

Một ngành có cơ hội nhận hàng tỷ USD đổ vào, số doanh nghiệp Việt Nam liên quan trên sàn chứng khoán "đếm trên đầu ngón tay", giá cổ phiếu bật tăng mạnh - Ảnh 3.

Trong khi đó, khối kinh doanh quốc tế sẽ là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của Tập đoàn CMC trong năm 2023. Bên cạnh thị trường chính là Hàn Quốc, việc công ty mở rộng quy mô tại thị trường Nhật cùng với xu hướng các doanh nghiệp tại quốc gia này bắt đầu tăng tốc đầu tư chuyển đổi số hậu đại dịch sẽ mang đến triển vọng tích cực trong năm 2023. Trong năm nay, VDSC ước tính lợi nhuận trước thuế khối kinh doanh quốc tế có thể tăng trưởng 42% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, khối giải pháp công nghệ (GPCN) được dự báo còn nhiều dư địa tăng trưởng với định hướng tăng doanh thu liên quan tới chuyển đổi số.

Tại Đức Giang , ban lãnh đạo công ty nhận định đến cuối năm 2024, nhu cầu phốt pho của Việt Nam sẽ tăng đột biến khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hoá nguồn cung ngoài Trung Quốc. Chứng khoán VNDirect trong báo cáo mới đây đã dự phóng lợi nhuận ròng của DGC sẽ tăng 2% trong quý 3 và tiếp tục tăng hơn 4% trong quý 4 so với quý liền trước nhờ sự đóng góp từ việc mua lại Công ty cổ phần Phốt pho 6 và đẩy mạnh bán mặt hàng Axit photphoric (85% H3PO4) trong bối cảnh nhu cầu cao hơn từ thị trường Ấn Độ và Mỹ.

Đồng thời, Đức Giang cũng dự kiến hoàn thành việc sửa chữa nhà máy Phốt pho 6 với chi phí sửa chữa 30 tỷ đồng, đồng thời xây dựng nhà máy Na2SiF6 (5 tỷ đồng) và dây chuyền NPK tại Đắk Nông trị giá 20 tỷ đồng. VNDIRECT Research dự báo giá phốt pho trong nửa cuối năm nay sẽ duy trì ở mức 4.000 – 4.300 USD/tấn và sẽ tăng lên mức 4.600 - 5.000 USD/tấn trong năm 2024. Kéo theo đó, lợi nhuận ròng của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang có thể đạt 4.000 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 20% so với mức ước tính của năm nay.

Một ngành có cơ hội nhận hàng tỷ USD đổ vào, số doanh nghiệp Việt Nam liên quan trên sàn chứng khoán "đếm trên đầu ngón tay", giá cổ phiếu bật tăng mạnh - Ảnh 4.

Xem thêm tại cafef.vn