Mục tiêu tăng trưởng 15% còn cách xa, tín dụng cần sớm bứt tốc
Ngày 19/6, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tính đến ngày 14/6, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
Vẫn có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm
Theo yêu cầu của Thủ tướng, hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, NHNN đã ban hành rất nhiều chỉ thị, quyết định, công văn để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Trong đó, NHNN yêu cầu giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn.
NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm sẽ khả quan. |
Tuy nhiên, tại một số địa phương, tăng trưởng tín dụng còn thấp, có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao hơn 10% thì vẫn có những ngân hàng tăng trưởng âm hơn 4%. Đến nay, vẫn còn 23 tỉnh có tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%.
Tại Vietcombank, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng thông tin, tính đến ngày 17/6, tín dụng tăng 2,4 % so với đầu năm. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngân hàng, bởi có thời điểm tăng trưởng âm.
Theo ông Tùng, nguyên nhân là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Thời gian qua, Viecombank đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tín dụng như cải tiến quy trình cấp tín dụng, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng giải ngân trực tuyến…
"Tăng trưởng tín dụng cao hay thấp không phải hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ngành ngân hàng, mà phụ thuộc lớn vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế...", lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh.
Ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng khả quan. Như Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này hiện đã đạt 5%, dự kiến đến cuối tháng 6 sẽ tăng khoảng 5,5-6%.
"VietinBank vẫn tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng. Năm 2023, VietinBank là ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nhất và từ đầu năm 2024 đến nay luôn duy trì mức tăng trưởng tín dụng gấp đôi mức tăng toàn ngành", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VietinBank cũng khẳng định mức tăng trưởng tín dụng kể trên được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Hiện, tỷ lệ dư nợ tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của VietinBank chiếm khoảng 40-45% tổng dư nợ toàn ngân hàng.
Ngân hàng lạc quan về tăng trưởng tín dụng
Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm vẫn còn cách xa so với mục tiêu, song NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm sẽ khả quan. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ.
Các ngân hàng cũng kỳ vọng với tình hình phục hồi kinh tế hiện nay, nhu cầu vay vốn trong nửa cuối năm sẽ tăng mạnh, theo đó tín dụng sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng thông tin, mới đây, Vietcombank làm đầu mối thu xếp vốn, cùng với BIDV và VietinBank tài trợ 1,8 tỷ USD cho Dự án Sân bay Long Thành. Trong đó, riêng Vietcombank tài trợ 1 tỷ USD.
“Mặc dù tín dụng 5 tháng đầu năm tăng chưa được như kỳ vọng, song Vietcombank không vì vội vàng tăng trưởng tín dụng mà không kiểm soát chất lượng tín dụng. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn các dự án tốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, định hướng tín dụng cuối năm nay tăng 10-15%”, ông Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, tại một số ngân hàng TMCP tư nhân, tín dụng tăng mạnh hơn. Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank cho hay, tính đến cuối tháng 5/2024, tín dụng của ngân hàng này đã tăng 10%. Năm nay, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gần 50%, tín dụng tăng 15,9%.
Các chuyên gia cũng lạc quan về tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phân tích: “Lãi suất huy động trên thị trường tăng là dấu hiệu tích cực cho thấy nhu cầu tín dụng tăng khả quan hơn trong thời gian tới, bởi các ngân hàng luôn phải duy trì tỷ lệ nhất định giữa tiền gửi và tiền cho vay. Để nâng cao khả năng cho vay, các ngân hàng có thể có mục tiêu tăng khối lượng huy động thông qua biện pháp tăng lãi suất tiền gửi”.
Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng, ngày 18/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, Chính phủ yêu cầu NHNN sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Làm việc ngay với các TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các TCTD hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn