Mỹ áp thuế khắc nghiệt 46%: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% có bị lung lay?
Ngày 2/4 (giờ Mỹ) đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong chính sách thương mại của Mỹ khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan đầy tham vọng, được ví như một "Tuyên ngôn Độc lập Kinh tế" mới.
Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết các quốc gia từ ngày 5/4/2025. Đáng chú ý, từ ngày 9/4/2025, hàng loạt đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ phải đối mặt với các mức thuế đối ứng cao hơn, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu mức thuế khắc nghiệt nhất, lên tới 46%.

Theo VIS Rating, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, do xuất khẩu từ Việt Nam tăng mạnh. Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2024. Trong những năm qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư nước ngoài và sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành trung tâm sản xuất quan trọng cho nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam. Sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu cũng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước.
Việc bị áp mức thuế đối ứng lên tới 46% được cho là sẽ tác động lên những ngành công nghiệp chính và dễ bị tổn thương như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Đây là những ngành chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc vào vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của VIS Rating, tác động sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành và từng công ty.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trong tương lai của Việt Nam và làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng vốn luôn gắn liền với nhu cầu vốn của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc khu vực xuất khẩu, cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trong chương trình Café cùng chứng ngày 3/4 của SSI, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng Ban đào tạo và Phát triển của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng những tác động từ chính sách thuế quan lên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của năm nay là không nhiều.
“Động lực chính của tăng trưởng tín dụng vẫn đến từ thị trường nội địa và không liên quan nhiều đến xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ có nhiều dư địa hơn để cho vay”, ông nói.
Dẫn chứng cụ thể, ông Hưng cho biết, trước đây, đầu tư công là một trong những lĩnh vực mà các ngân hàng tương đối ngại cho vay. Nguyên nhân là do đặc thù của các dự án cơ sở hạ tầng, đầu tư công có thời gian hoàn vốn lâu, lên tới vài chục năm trong khi nguồn vốn chủ yếu của các ngân hàng là vốn ngắn hạn.
Tuy nhiên, thời gian qua, các dự án đầu tư công được giải ngân nhanh, thủ tục giải ngân được rút gọn, rủi ro không còn cao như trước, giúp các ngân hàng có thể thu hồi vốn vay với thời gian ngắn hơn. Nhiều ngân hàng, vì vậy, đã xem cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm nay, ông Hưng nhấn mạnh.
Trong một báo cáo mới, Chứng khoán MBS cũng chỉ ra, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 17 – 18% trong năm 2025 nhờ hai động lực chính, bao gồm sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và tiêu dùng tại Việt Nam và tỷ lệ giải ngân đầu tư công duy trì ở mức cao.
Còn theo số liệu mới công bố của NHNN, tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 15,9 triệu tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024 và tăng 17,60% so với cùng kỳ năm 2024.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn