Nafoods (NAF) đặt kế hoạch lãi tăng 17%, chia cổ tức năm 2024 tỷ lệ 10%

Nafoods đặt mục tiêu tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận năm 2024 dù nhận định bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Nafoods đặt mục tiêu tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận năm 2024 dù nhận định bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Theo tài liệu Đại hội, Nafoods đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 129 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 26,9% và 17,3% so với thực hiện của năm 2023.

Năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.733 tỷ đồng (giảm 1,9% so với năm 2022) và lợi nhuận sau thuế đạt 109,9 tỷ đồng (tăng 37,7% so với năm 2022).

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, Công ty dự kiến chi trả phí hàng năm cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại hơn 13,4 tỷ đồng, trích quỹ khen thưởng phúc lợi 5% lợi nhuận sau thuế, trích ngân sách hoạt động HĐQT tối đa 5% lợi nhuận sau thuế. Chia cổ tức cho cổ đông tối đa 10% vốn điều lệ.

Nafoods trình Đại hội đồng cổ đông phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, tổng số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán là 15 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán dự kiến theo mệnh giá là 150 tỷ đồng. Toàn bộ cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quyết định của trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Thời gian thực hiện dự kiến diễn ra trong năm 2024 hoặc thời hạn khác theo quy định của HĐQT dựa trên điều kiện thực tế sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Nafoods cũng có tờ trình về phương án mua lại cổ phiếu ưu đãi hoàn lại. Số lượng cổ phiếu ưu đãi hoàn lại đã phát hành là 12.358.933 cổ phần, giá phát hành là 15.000 đồng/cổ phần. Số lượng cổ phần ưu đãi hoàn lại hiện đang lưu hành là 12.358.933 cổ phần. Số lượng cổ phần ưu đãi hoàn lại dự kiến mua lại tối đa 12.358.933 cổ phần. Mục đích mua lại được Công ty cho biết để hoàn lại phần vốn góp của cổ đông ưu đãi hoàn lại theo đề nghị của Công ty.

Nguồn vốn thực hiện mua lại là thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán ngày 31/12/2023.

Thời gian mua lại dự kiến trong năm 2024 hoặc thời hạn khác theo quy định của HĐQT dựa trên điều kiện thực tế sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Nhận định về năm 2024, Nafoods cho biết dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Nợ công tiếp tục gia tăng, tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường. Áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia…Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.

Trước bối cảnh đó, Nafoods nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty dự kiến cũng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Giá các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và diễn biến bất ổn trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu không mấy sáng sủa ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty. Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến chi phí huy động vốn của công ty. Áp lực lạm phát, tăng lãi suất ảnh hưởng đến chi phí lãi vay và khả năng huy động vốn của Công ty.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra tăng trưởng 26,9% về doanh thu và tăng trưởng 17,3% về lợi nhuận so với năm 2023 Nafoods phải nỗ lực rất nhiều.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/4, cổ phiếu NAF của Nafoods đạt thị giá 17.150 đồng/cổ phiếu, giảm 0,58% so với thị giá trước đó.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn