Nắm bắt cơ hội trước khi thị trường chứng khoán được nâng hạng

Tuần qua (16-20/9), thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước bất ngờ khởi sắc sau 2 tuần ảm đạm và thanh khoản xuống thấp kỷ lục. Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.272,04 điểm, tăng 20,33 điểm (1,62%) so với tuần trước đó. Thanh khoản cũng có sự cải thiện tích cực khi bình quân mỗi phiên đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng đến 30% so với tuần trước đó, nhất là phiên cuối tuần nhảy vọt lên hơn 22.000 tỷ đồng.

Gỡ “nút thắt” với khối ngoại

Điểm tích cực là khối ngoại đã quay lại mua ròng 4/5 phiên với tổng giá trị hơn 1.230 tỷ đồng. Trước đó, khối này đã có chuỗi bán ròng nhiều tháng với tổng giá trị lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

-5245-1727082801.jpg

Nhiều chuyên gia đánh giá TTCK đang tiến gần hơn tiến trình nâng hạng.

Sự tích cực này diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “mạnh tay” cắt giảm lãi suất và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC bổ sung một số quy định nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Thái Minh Thành, Giám đốc Tư vấn đầu tư Chứng khoán VPS, việc Fed giảm lãi suất là một trong những lý do chính khiến khối ngoại quay lại mua ròng những phiên gần đây. Ông Thành tính toán khối ngoại có thể mua ròng khoảng 80.000-90.000 tỷ đồng cổ phiếu trong thời gian tới, tương đương giá trị mà khối này đã bán ròng trong năm 2023 và 2024.

Trước khi mua ròng ở thị trường Việt Nam tuần vừa rồi, trong 2 tháng qua, các quỹ ngoại đã quay lại và "rót" khá nhiều tiền vào TTCK các nước châu Á. Do đó, khả năng họ tiếp tục quay lại Việt Nam là rất cao.

Chuyên gia VPS dẫn thông tin từ Bloomberg, các quỹ đầu tư đã tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Họ cũng mua ròng cổ phiếu ở Indonesia, Malaysia và Philippines trong 3 tháng liên tiếp.

Liên quan Thông tư 68/2024/TT-BTC, các chuyên gia cho rằng đây được xem là bước tiến rất quan trọng để gỡ nút thắt, đáp ứng các tiêu chuẩn nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research cho biết, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cùng các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và các nhà đầu tư đang làm việc để hoàn tất thủ tục, quy trình trước khi Thông tư 68 có hiệu lực vào tháng 11/2024. Theo bà Phương, với việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68, SSI Research duy trì kịch bản TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.

"Với việc nâng hạng lên TTCK mới nổi, theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell, ước tính tổng tài sản gấp 5 lần so với các quỹ ETF)", bà Phương đánh giá.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) nhìn nhận, nếu đạt được mục tiêu nâng hạng lên TTCK mới nổi, đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào thị trường tài chính toàn cầu. Việc này không chỉ mang lại cơ hội phát triển mới cho TTCK mà còn tác động sâu sắc đến nền kinh tế nước ta. Trong đó, tác động trực tiếp và tích cực nhất là việc thu hút dòng vốn ngoại và phát triển thị trường vốn.

Cổ phiếu đón “sóng” lớn

Cũng theo ông Tuấn, nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội trước khi TTCK được nâng hạng vì thông thường, từ 1- 2 năm trước thời điểm nâng hạng chính thức, TTCK bật tăng rất mạnh mẽ.

“TTCK Qatar tăng hơn 45% trong giai đoạn từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2014, TTCK Ả Rập Saudi tăng hơn 23% trong giai đoạn 2017-2018, TTCK Romania tăng hơn 18% từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019...”, chuyên gia DAS dẫn chứng.

Ông Thái Minh Thành dự báo, với triển vọng này, thời gian tới, VN-Index có thể đạt 1.300 điểm dễ dàng vì đang có nhiều cơ hội mở ra. Dòng tiền sẽ luân phiên lan tỏa dần ra các nhóm cổ phiếu, tương tự giai đoạn 2020-2021.

“Những nhịp điều chỉnh "rung lắc" là cơ hội mua và nắm giữ cổ phiếu để tối ưu lợi nhuận”, ông Thành nhấn mạnh.

Giới phân tích nhận định, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp không chỉ là sự công nhận của quốc tế, mà còn mang lại những cơ hội lớn cho TTCK Việt Nam, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Chứng khoán BVSC kỳ vọng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực và nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp sẽ diễn ra vào đầu năm 2025. Đây là tín hiệu lạc quan cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở ra cánh cửa cho dòng vốn quốc tế lớn hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.

Công ty chứng khoán này cho rằng việc tham gia vào các chỉ số như FTSE Emerging Markets, FTSE All-World Index và FTSE Global All-Cap sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư quốc tế vào những cổ phiếu hàng đầu.

Theo đó, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn dự kiến sẽ được mua mạnh khi Việt Nam được nâng hạng bao gồm VCB, VHM, HPG, VIC, VNM, MSN với giá trị mua thêm dự đoán từ 97 triệu USD đến 159 triệu USD cho mỗi mã. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ phiếu này sẽ được các quỹ ETF lớn trên thế giới quan tâm và đầu tư.

Không chỉ các cổ phiếu vốn hóa lớn, các mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ như KDH, DGC, STB, FRT, VRE, VJC, SHB, SSI, VND, VCI, VIX cũng dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư khi Việt Nam nâng hạng.

Tương tự, SSI Research nhận định các cổ phiếu như VNM, VHM, VIC, HPG, VCB, SSI, MSN, VND, DGC, VRE, VCI có thể thu hút dòng tiền lớn khi TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đây đều là những cổ phiếu bluechip đầu ngành nhưng chưa kín room ngoại. Tuy nhiên, bộ phận phân tích này không đưa ra con số cụ thể.

Chứng khoán Mirae Asset cũng từng đưa ra dự báo các mã cổ phiếu sẽ được hưởng lợi nếu được FTSE Russell nâng hạng thành công. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu bất động sản được dự báo tích cực như VIC, VHM, VRE, KBC, DIG, DXG. Nhóm chứng khoán có nhiều đại diện dự báo góp mặt như SSI, VND, VCI, VIX,... Ngoài ra, một số mã trong ngành ngân hàng, thực phẩm, điện, thép, dầu khí,... cũng được dự báo có hiệu ứng tích cực sau khi TTCK được nâng hạng.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn