Ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà ngay từ đầu năm

Ngay những ngày đầu năm 2024, nhiều nhà băng đã hạ lãi suất cho vay mua nhà 1-2% so với cuối năm ngoái, xuống quanh 5,9-6,5%/năm.

Lãi suất cho vay mua nhà giảm mạnh

Ghi nhận của VnBusiness cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng quốc doanh dao động 6,4-7%/năm, giảm 1-1,5% so với cuối năm ngoái, còn nếu so với cùng kỳ năm 2023, mức lãi cho vay hiện thấp hơn 2-3%.

Trong đó, lãi suất ưu đãi tốt nhất cho các khoản vay mua nhà phát sinh mới đang thuộc về VietinBank ở mức 6,4%/năm; BIDV hiện xuống quanh 6,5%/năm; Vietcombank cũng đưa lãi suất cho vay mua nhà xuống 6,7%/năm.

-4106-1705482820.jpg

BVBank đang có mức lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi chỉ từ 5%/năm.

Agribank đang có mức lãi suất cho vay cao nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh, với mức 7%/năm áp dụng cho thời gian ưu đãi 12-24 tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, hiện mức lãi suất cho vay mua nhà dao động 5,9-10,5%/năm.

Chẳng hạn, GPBank là 6,25%/năm; Sacombank là 6,5%/năm; Shinhan Bank là 6,6%/năm; MSB là 6,8%/năm; MB là 7,5%/năm; VIB là 7,5%/năm; ACB là 8%/năm; SeABank 9,29%/năm; Techcombank là 10,5%/năm…

Hiện, mức lãi suất ưu đãi tốt nhất thị trường dành cho các khoản vay mua nhà phát sinh mới được các ngân hàng áp dụng trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ từ 3 - 3,5%.

Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết lãi suất huy động và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.

"Lãi suất cho vay đang thấp nhất 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại khẳng định là lãi suất không thể thấp hơn nữa", ông Tú thông tin.

Hiện nay, thanh khoản ngân hàng dư thừa và NHNN ngay từ đầu năm đã giao hết hạn mức tín dụng cho các nhà băng. Vì vậy, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm nay, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có các gói lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà.

Theo số liệu của NHNN, đến cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2023 chỉ đạt 13,7%. Như vậy, tín dụng tăng chậm hơn huy động, đồng nghĩa với việc thanh khoản ngân hàng đang dồi dào.

Kích thích nhu cầu vay vốn

Có thể thấy, cuộc đua giảm lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng là một động thái kích cầu tích cực trong thời điểm thị trường bất động sản được đánh giá là có thể đã qua giai đoạn khó khăn nhất.

Lý giải về việc giảm mức lãi suất cho vay mua nhà xuống mức hấp dẫn bậc nhất thị trường ngay từ đầu năm, ông Ngô Minh Sang, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của BVBank cho biết: “Mỗi ngân hàng đều có tệp khách hàng riêng và có gói tín dụng ưu đãi với từng nhóm khách hàng ưu tiên của mình. Chúng tôi thấu hiểu nhu cầu của tệp khách hàng mà ngân hàng đang muốn hướng tới vào dịp cuối năm âm lịch nên đưa ra mức vay ưu đãi bậc nhất. Cuối năm thường là thời điểm nhiều người có xu hướng đi tìm xem nhà với tâm lý "đầu năm mua đất, cuối năm mua nhà". Một mức vay ưu đãi sẽ giúp cho khách hàng dễ cân nhắc hơn trong các quyết định xuống tiền”.

Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cũng đưa ra nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm dần trong năm nay nên nhu cầu vốn của khách hàng, cả với cá nhân mua nhà sẽ trở lại và thực tế tín dụng phân khúc này tại OCB đang đà tăng.

“Năm 2023, người dân hầu như không vay tiền mua nhà, sửa nhà. Tôi hy vọng năm 2024, khi lãi suất cho vay giảm tiếp, tín dụng mua nhà, sửa nhà sẽ phục hồi”, Trưởng khối cho vay bán lẻ của một ngân hàng thương mại cổ phần nói.

Đáng chú ý, yếu tố tích cực không chỉ đến từ việc ngân hàng thương mại giảm lãi suất, mà cơ quan điều hành cũng có thêm động thái hỗ trợ thị trường.

Cụ thể, tuần qua, NHNN đã ban hành Thông tư điều chỉnh hệ số rủi ro một số khoản vay bất động sản như nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp... Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay với khách hàng cá nhân là đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong thời gian tới.

Tuy vậy, Công ty Chứng khoán SSI không kỳ vọng dư nợ cho vay mua nhà sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024. Năm 2023, dư nợ vay mua nhà của cá nhân giảm 0,7%, trong khi dư nợ kinh doanh bất động sản tăng tới 22%.

Nguyên nhân khiến người dân không dám vay mua nhà là vì giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm, trong khi thu nhập của nhiều người dân bị giảm sút, tâm lý của người mua nhà cũng bị ảnh hưởng trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động (2022 - 2023). Quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành.

“Chúng tôi cho rằng các ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý, tọa lạc ở những vị trí đắc địa. Theo quan điểm của chúng tôi, những ngân hàng có thể gia tăng được thị phần trong mảng này gồm BIDV và VietinBank, do họ có khả năng triển khai chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh và thu hút được khách hàng từ các ngân hàng khác”, chuyên gia phân tích của SSI nhận định.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn