Ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất quý I/2024?
Trong quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 vọt tăng thêm 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý IV/2024. Tỷ lệ nợ xấu trung bình cả hệ thống ngân hàng thương mại là 2,18%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Chỉ có khoảng 3 ngân hàng ghi nhận giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng không đáng kể, gần như đi ngang, cụ thể là: Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã chứng khoán: NVB) giảm 0,8 điểm phần trăm; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB) giảm 0,11 điểm phần trăm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) giảm 0,02 điểm phần trăm. Tuy nhiên, những nhà băng này lại thuộc top đầu về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống, lần lượt là 29 %; 3,31% và 3%.
Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của NCB đạt 5,5%, tuy nhiên nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này tăng tới 11,6%, lên tới 15.253 tỷ đồng. Do nhóm nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm mạnh tới 50%, tương đương giảm 1.263 tỷ đồng, nên NCB đã thu hẹp tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dù không nhiều từ 29,8% xuống còn 29%.
Vị trí thứ hai thuộc về Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (Pvcombank) với tỷ lệ nợ xấu suýt soát 4%, trong đó, nợ xấu tăng mạnh ở nhóm nghi ngờ (+15,8%) và có khả năng mất vốn (+17,4%).
Tiếp sau là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã chứng khoán: ABB), với tỷ lệ nợ xấu lên tới 3,92%, trong khi tăng trưởng tín dụng âm tới 19,34%.
Một loạt các ngân hàng thương mại khác có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chạm ngưỡng hoặc vượt 3% còn có Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB (3,6%), Ngân hàng TMCP Bản Việt – BVB (3,9%), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín - BVBank (3,1%); SHB (3%), Vietbank (3,1%)…
Xét về con số, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – Mã chứng khoán MBB) là nhà băng tăng nợ xấu nhiều nhất, tăng thêm 5.500 tỷ đồng nợ xấu chỉ trong vòng 3 tháng, tương đương tăng thêm 0,94 điểm phần trăm. Nợ xấu của MBB tính đến ngày 31/3/2024 là 13.621 tỷ đồng, chiếm 2,34% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 110%, từ 2.851 tỷ đồng hồi cuối năm 2023 lên 5.996 tỷ đồng ngày 31/3/2024.
Nợ xấu gia tăng, trong khi cầu tín dụng còn thấp do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu. Ngành Ngân hàng đang phải đối mặt với nợ xấu tăng cao, dẫn tới hệ lụy chất lượng nợ cho vay kém, có nghĩa chất lượng tài sản ngân hàng đi xuống.
Không ít nhà băng cũng tỏ ra lo ngại về rủi ro nợ xấu năm nay, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực, đồng thời phần lớn các nội dung của Nghị quyết không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành. Việc thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn. Trong khi đó, sức mua của thị trường chưa mấy cải thiện khiến khả năng và tiến độ trả nợ của doanh nghiệp sụt giảm, kéo theo nợ xấu đi lên.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm 2024 nếu Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào tháng 6/2024. Lúc đó, nhiều khả năng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng đột biến bởi các khoản nợ sẽ bắt đầu nhảy nhóm. Song ông Huân cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm xem xét gia hạn Thông tư này để giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn và ngân hàng giảm bớt áp lực nợ xấu.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn