Cổ phiếu tăng mạnh: HHS vượt loạt bluechip, MBT tạo ‘địa chấn’
Tuần qua, thị trường chứng khoán có dấu hiệu suy yếu khi liên tục kéo - xả. Ngày 26/3, chỉ số VN-Index tăng cao nhất lên mức 1.338 điểm, nhưng bất ngờ rơi xuống dưới ngưỡng 1.320 điểm chỉ sau 2 phiên. Thanh khoản toàn thị trường cũng sụt giảm nhẹ so với tuần trước, đạt hơn 18.000 tỷ đồng/phiên.
Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm penny, đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh, vượt mặt nhiều mã bluechip.

HoSE: HHS vượt mặt nhiều blue chip
Có thêm 29,84%, cổ phiếu HVH của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ HVC dễ dàng giành ngôi quán quân tăng trưởng sàn HoSE. Khối lượng giao dịch trung bình tuần qua đạt hơn 1 triệu đơn vị, cao hơn 56% so với mức trung bình năm 2024. Diễn biến tích cực này được ghi nhận ngay sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 sau kiểm toán, xác nhận lợi nhuận đã tăng 2,7 lần sau một năm.
Về phần còn lại, tương tự tuần trước, không có mã nào mở rộng quá 20% giá trị trong tuần này. Cụ thể: HHS (+19,77%), HU1 (+14,12%), VCF (+12,88%), NNC (+11,71%), DPR (+10,57%), VIC (+9,43%), FIT (+9,15%), TSC (+8,33%), SHB (+8,09%).
Trong đó, cổ phiếu HHS của Công ty CP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy nổi lên như một “hiện tượng” khi vượt qua 2 mã bluechip là VIC và SHB cùng nhiều cái tên “máu mặt” khác như VCF và DPR để vươn lên vị trí á quân. Tăng gần 19,77%, cổ phiếu HHS kết thúc tuần ở mức 10.300 đồng/cp. Vốn hóa của Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy tương ứng đạt hơn 3.790 tỷ đồng.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu HHS diễn ra trong bối cảnh thị trường bùng nổ thông tin TP. Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sẽ sáp nhập với trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP. Thủy Nguyên – nơi quy tụ hàng loạt dự án bất động sản của nhóm Hoàng Huy. Trong diễn biến liên quan, Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy đã thông qua phương án nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Tập đoàn Bất động sản CRV lên trên 50%, qua đó đưa công ty này trở thành công ty con. Cần biết, Bất động sản là chủ đầu tư dự án Hoàng Huy New City quy mô hơn 15.000 tỷ đồng toạ lạc tại TP. Thủy Nguyên.

Ngoài HHS, cổ phiếu DPR của Công ty CP Cao su Đồng Phú cũng gây chú ý khi lọt top tăng mạnh trên sàn HoSE sau một thời gian dài âm thầm vượt đỉnh cùng nhóm cao su. Không quá ồn ào nhưng mã này đã tăng hơn 10% với thanh khoản cải thiện đáng kể. Tính theo giá đóng cửa phiên 28/3 là 52.300 đồng/cp, vốn hóa của Cao su Đồng Phú đạt hơn 4.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup – CTCP và SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội được xem là “gương mặt thân quen” của nhóm cổ phiếu tăng mạnh thời gian gần đây. SHB tiếp tục khẳng định sức hút khi có tuần thứ ba liên tiếp lọt top 10, trong khi VIC đã trở lại đường đua sau một tuần thu hẹp đà tăng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ORS của Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong đứng đầu danh sách giảm mạnh khi mất 14,85% giá trị và rơi xuống dưới mệnh. Điều này khiến các nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong phiên 25/3 tạm thời thua lỗ.
Theo sau ORS lần lượt là YBM (–12,58%), IMP (–11,72%), SMA (–9,86%), YEG (–9,67%), TYA (–9,62%), PNJ (–8,48%), DTA (–8,13%), PNC (–7,84%), FCM (–7,43%).
Đáng chú ý, cổ phiếu DTA – “quán quân” tăng trưởng tuần trước - chịu áp lực chốt lời mạnh. Tương tự, bộ đôi khoáng sản YBM - FCM cũng không thể duy trì sức hút trước đó. Trong khi đó, cổ phiếu YEG giảm mạnh sau quyết định chuyển nhượng công ty con.
Một cái tên gây thất vọng khác là cổ phiếu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Nếu chỉ xét mức giảm trong tuần, có thể thấy PNJ đơn thuần điều chỉnh theo thị trường chung. Tuy nhiên, dưới góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu này đang lao dốc mạnh khi “thủng” đáy một năm, bất chấp giá vàng đã vượt đỉnh mọi thời đại.
HNX: Cổ phiếu của doanh nghiệp taxi Petrolimex bứt phá trên sàn HNX
Trên sàn HNX, cổ phiếu PGT của Công ty CP PGT Holding dẫn đầu nhóm tăng trưởng khi bứt phá 39,74%. Kết thúc tuần, mã này đạt 10.900 đồng/cp, đưa vốn hóa của doanh nghiệp vượt ngưỡng 100 tỷ đồng. Dù đang trong diện cảnh báo, cổ phiếu PGT vẫn được giao dịch khá sôi động khi khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 34.000 đơn vị/phiên, cao gấp gần 12 lần mức trung bình năm 2024. Điều này phản ánh xu hướng tìm kiếm cơ hội của dòng tiền đầu cơ.
Trong bối cảnh dòng tiền đầu hướng tới nhóm vốn hoá nhỏ, cổ phiếu DL1 của Công ty CP Tập đoàn Alpha Seven cũng lọt vào tầm ngắm. Với thanh khoản lên tới hàng triệu đơn vị mỗi phiên, cổ phiếu này tăng vọt 24,53% trong tuần, chốt tại 6.600 đồng/cp, đưa vốn hóa doanh nghiệp lên hơn 701 tỷ đồng.
Ngoài hai cái tên kể trên, thị trường còn chứng kiến sự bứt phá của loạt cổ phiếu khác như HKT (+21,21%), IHC (+19,64%), PPE (+18,18%), PRC (+16,33%), KST (+14,75%), DAE (+13,48%), VC6 (+12,76%) và AME (+12,28%). Đáng chú ý, AME có tuần thứ hai liên tiếp lọt nhóm tăng mạnh dù đà tăng có phần chững lại.

Ở chiều ngược lại, danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HNX lần lượt gọi tên ATS (–15,06%), THD (–14,67%), BKC (–12,52%), CMC (–12,33%), NVB (–10,08%), CX8 (–9,47%), VNT (–9,28%), BTW (–9,09%), WCS (–9,06%), TTL (–8,99%).
Trong đó, cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn là cái tên gây chú ý nhất khi từng tạo “sóng thần” trên thị trường. Hiện tại, mã này chỉ còn 54.500 đồng/cp. So với vùng giá 102.000 đồng/cp hồi cuối tháng 2, BKC đã “chia đôi”, khiến không ít nhà đầu tư mắc kẹt trên đỉnh. Trong khi đó, vốn hoá của Khoáng sản Bắc Kạn cũng “bốc hơi”, chỉ còn hơn 640 tỷ đồng.
Một trường hợp đáng chú ý khác là NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân. Mã này bất ngờ đảo chiều giảm sâu sau một tuần “chễm chệ” trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh. Diễn biến tiêu cực được ghi nhận trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng bước vào pha điều chỉnh.
UPCoM: Tâm điểm “tân binh” MBT
Trên sàn UPCoM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất ghi nhận sự góp mặt của MBT (+94,3%), SEP (+44,32%), MRF (+40%), TV6 (+39,47%), TGP (+35,71%), XLV (+31,43%), ICI (+29,17%), NAC (+28,57%), CMN (+27,11%), VDN (+26,46%).

Với mức tăng gần gấp đôi trong tuần qua, cổ phiếu MBT của Công ty CP Bất động sản cho thuê Minh Bảo Tín là mã nổi bật nhất. Tím trần 4 phiên liên tiếp, mã này đạt 37.500 đồng/cp. Vốn hóa của Minh Bảo Tín tương ứng đạt hơn 142,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này mới chỉ được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận niêm yết từ ngày 19/3, với giá tham chiếu là 12.000 đồng/cp. Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn lên sàn, MBT đã tăng hơn 3 lần so với mức giá niêm yết ban đầu.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, tương tự phần lớn các mã biến động trên sàn UPCoM, thanh khoản của MBT cũng chỉ ở mức “nhỏ giọt”.
Ở chiều ngược lại, 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn UPCoM lần lượt là: BBM (–34,83%), TSD (–30,68%), DMN (–30%), FRC (–26,92%), CT3 (–26,73%), PRO (–26,25%), BII (–25%), L43 (–24,39%), TIE (–22,50%), CHC (–22,03%).
Điểm chung của các mã này là thanh khoản cực kỳ thấp, thậm chí nhiều cổ phiếu gần như không có giao dịch, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc khớp lệnh.
Diễn biến tuần qua tiếp tục phản ánh sự phân hóa mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán. Trong khi một số cổ phiếu bứt phá nhờ dòng tiền đầu cơ và kỳ vọng từ nhà đầu tư, nhiều mã khác lại rơi vào trạng thái điều chỉnh sâu. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng vẫn chi phối thị trường.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn