Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh giá bán USD
Trong thời gian gần đây,tỷ giá USDliên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đồng loạt giảm sâu.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD đã giảm xuống mức 24.700 VND/USD. So với giai đoạn cao điểm hồi cuối tháng 5, tỷ giá USD liên ngân hàng đã giảm khoảng 3% và giảm hơn 1,8% kể từ đầu tháng 8.
Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng trong nước cũng liên tục lao dốc. Ghi nhận đến sáng hôm nay (10/9), giá bán USD niêm yết tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 24.850 – 24.870 VND/USD, trong khi mua vào ở mức 24.480 – 24.530 VND/USD.
Cụ thể, Vietcombank, ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống hiện niêm yết tỷ giá ở mức 24.480 - 24.850 VND/USD. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại ngân hàng này đã giảm hơn 550 đồng, tương đương mức giảm 2,2%.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng liên tục giảm sâu và hiện giao dịch ở mức 25.170 – 25.270 VND/USD. Tỷ giá tự do bắt đầu rơi mạnh trong gần 2 tháng trở lại đây, đặc biệt trong tháng 8. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn khoảng 750 đồng, tương đương giảm 2,8%.
Trước diễn biến hạ nhiệt của tỷ giá trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm. Sáng nay (10/9), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.194 VND/USD, giảm 30 đồng so với cuối tháng 8. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.984 - 25.404 VND/USD.
Vào cuối tháng 8/2024,NHNN cũng đã điều chỉnh giảm giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 25.450 VND/USD xuống còn 25.385 VND/USD (tại ngày 27/8). Đến ngày 6/9, tỷ giá bán đã được đưa xuống mốc 25.362 VND/USD và đến hôm nay còn 25.353 VND/USD. Như vậy, hiện giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN đã giảm gần 100 đồng so với cuối tháng 8 và xuống thấp hơn tỷ giá trần khoảng 50 đồng.
Tỷ giá mua tại Sở Giao dịch vẫn được duy trì ở mức 23.400 VND/USD, thấp hơn nhiều so với tỷ giá liên ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh USD hạ nhiệt, giới phân tích không loại trừ khả năng NHNN sẽ tăng tỷ giá mua này (như giai đoạn cuối năm 2022) để có thể bổ sung thêm ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối.
Trước đó, trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, NHNN đã có loạt chính sách điều hành mang tính nới lỏng hơn. Cụ thể, nhà điều hành đã thông báo kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu phân bổ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD đó.
Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN cũng đã chủ động ngừng phát hành trên kênh tín phiếu và giảm lãi suất trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Trong văn bản trả lời cử tri Trà Vinh về đề nghị cần có giải pháp nâng cao giá trị tiền Đồng, NHNN cho biết, thời gian qua, tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng và giảm, phù hợp với điều kiện thị trường. Đồng VNĐ cũng đã thể hiện sự ổn định tốt hơn so với nhiều đồng tiền khác trong một số giai đoạn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trước áp lực thị trường quốc tế và khó khăn trong nước, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, hấp thu cú sốc bên ngoài, đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ VND.
Về biện pháp cụ thể, NHNN đã phát hành tín phiếu nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, góp phần giảm bớt mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD, hạn chế áp lực gia tăng lên tỷ giá.
Đồng thời, nhà điều hành cũng đã bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ.
NHNN khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ (thanh khoản VND, lãi suất, truyền thông chính sách,…), can thiệp thị trường để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Xem thêm tại cafef.vn