Ngân hàng Nhà nước hút tiền, giảm áp lực lên tỷ giá nhưng lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục giảm

Ngân hàng Nhà nước hút tiền, giảm áp lực lên tỷ giá nhưng lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục giảm

Tỷ giá bớt áp lực

Cụ thể, ngày 12/3, NHNN tiếp tục hút về gần 15.000 tỷ đồng trên thị trường mở, với tổng khối lượng gần 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm. Có 7/14 thành viên tham gia thị trường đã trúng thầu. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp NHNN thực hiện hút tiền về, nâng tổng lượng thu về lên gần 30.000 tỷ đồng.

Động thái phát hành tín phiếu của NHNN là một công cụ trong chính sách tiền tệ, là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Mục đích của việc phát hành tín phiếu là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 (liên ngân hàng) để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

SSI cho rằng, khác với xu hướng tích cực thường thấy vào đầu năm, áp lực tỷ giá hiện nay cao dần, một phần do chênh lệch lãi suất VND và USD âm kéo dài khiến áp lực rút vốn tăng dần hay nhập khẩu tư liệu sản xuất bật tăng khá mạnh trong 2 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt, khiến biến động tỷ giá trên thị trường tự do khó lường hơn. Chênh lệch lớn giữa tỷ giá tự do và niêm yết cũng khiến xu hướng đầu cơ lớn.

Vì thế, các hành động của NHNN nhằm ổn định tỷ giá có thể được tính đến, trước mắt có thể là việc phát hành trở lại tín phiếu. Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ tăng dần từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và việc bán dự trữ ngoại hối cũng có thể xem xét. Động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể giúp điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.

Đánh giá về động thái của NHNN, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, động thái hút ròng của chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn âm. Lãnh đạo NHNN thông tin, tín dụng đến hết tháng 2 giảm khoảng 1%, còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%.

Do đó, động thái hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu nhằm mục tiêu quan trọng là đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD nhằm giảm áp lực tỷ giá. Theo cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Fed sẽ chưa giảm lãi suất ít nhất là cho đến hết nửa đầu năm nay. Việc Fed duy trì ở lãi suất cao mà lãi suất của Việt Nam quá thấp sẽ gây áp lực tỷ giá. Bằng chứng là tỷ giá trong thời gian vừa qua đã có những biến động, từ đầu năm đến giờ tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,5%.

PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, với lượng tiền hút về nói trên sẽ chưa có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng nếu NHNN hút liên tiếp nhiều phiên cùng khối lượng thì sẽ có ảnh hưởng. Theo PGS TS Huân, có thể động thái này của NHNN nhằm hạn chế việc đầu cơ tỷ giá trong tình hình tỷ giá đang căng thẳng cả trong lẫn ngoài ngân hàng do ảnh hưởng bởi việc giá vàng tăng cao và do nhu cầu nhập khẩu đầu năm.

Liên quan đến đồng Việt Nam, UOB đưa ra dự báo, USD/VND giao dịch lên mức cao mới 24.700 vào cuối tháng 2 cùng với sự mạnh lên đáng kể của USD so với các đồng tiền châu Á. Bất chấp sự suy yếu trong ngắn hạn của đồng VND, kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam (dự báo năm 2024 là 6,0% so với 5,05% vào năm 2023) và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định đồng VND.

Sự phục hồi tiếp theo của CNY (nhân dân tệ) - mà VND thường có cùng xu hướng - cùng với sự suy yếu của USD trước đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 6 sẽ mang lại sự phục hồi nhẹ cho VND. Dự báo cập nhật về USD/VND của UOB là 24.400 trong quý II/2024, 24.200 trong quý III/2024, 24.000 trong quý IV/2024 và 23.800 trong quý I/2025.

Lãi suất khó tăng

Không chỉ giảm áp lực đối với tỷ giá, động thái hút tiền về của NHNN đã tác động lên lãi suất liên ngân hàng nhưng chưa ảnh hưởng gì tới xu hướng giảm của lãi suất tiết kiệm.

Cụ thể, Techcombank vừa giảm lãi suất tiết kiệm ở những kỳ hạn ngắn từ 0,1 - 0,4%/năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 2,35%/năm, 3 - 5 tháng còn 2,45%. Các kỳ hạn còn lại giữ nguyên, chẳng hạn 6 - 8 tháng ở mức 3,5%/năm, 9 - 11 tháng 3,55%, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,5%.

Tương tự, MB cũng giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 2,1%/năm, 3 tháng còn 2,5%, 6 tháng 3,5%, 12 tháng 4,5% và mức cao nhất trên thị trường là 5,6%/năm ở kỳ hạn từ 24 - 36 tháng.

Trước đó, một số nhà băng như GPBank, PVcombank, VPBank… cũng đã giảm lãi tiết kiệm từ 0,1 - 0,5%/năm.

Theo quy định của NHNN hiện nay, lãi suất huy động từ 6 tháng trở xuống có mức trần là 4,75%/năm, nhưng hầu hết mặt bằng lãi tiết kiệm dưới 6 tháng ở mức 1,7 - 3,8%/năm; ở kỳ hạn 6 tháng, lãi tiết kiệm cũng chỉ 3 - 5,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 4 - 5,3%… PGS TS Nguyễn Hữu Huân đưa ra nhận định, thông thường khi NHNN hút tiền thì lãi suất sẽ nhích lên.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, lãi suất sẽ khó sớm tăng trở lại. Bởi tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn còn và số liệu cũng cho thấy trong 2 tháng đầu năm, tín dụng ra thị trường còn khó khăn, không được như kỳ vọng khi tăng trưởng âm hơn 1% thì việc hút bớt tiền về cũng là hành động bình thường từ phía nhà điều hành.

Theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích của UOB, NHNN đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng suy thoái kinh tế vào đầu năm ngoái bằng việc nhanh chóng cắt giảm lãi suất. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%. Với tốc độ hoạt động kinh tế đang phục hồi, khả năng cắt giảm lãi suất hơn nữa đã giảm đi. Vì vậy, UOB cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50% như hiện nay.

UOB cho rằng, thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Một trong số đó là việc đưa tín dụng đến người đi vay (tức là các biện pháp định lượng).

Năm 2023, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt khoảng 13,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mục tiêu 14-15% đặt ra cho năm, do cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay và cải thiện khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đến các khoản vay ngân hàng. Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15% với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn