Ngân hàng Nhà nước hút tiền trở lại sau 4 tháng tạm ngưng
Phiên giao dịch 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng.
Theo đó, nhà điều hành tiếp tục chào mua giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày song không có thành viên thị trường tham gia vay vốn.
Ở chiều ngược lại, có tới 18 thành viên tham gia phiên đấu thầu tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, có 6 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng đạt gần 15.000 tỷ đồng với kỳ hạn 28 ngày và lãi suất 1,4%/năm.
Như vậy, NHNN đã hút về gần 15.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong phiên 11/3. Qua đó đánh dấu phiên hút ròng thanh khoản mạnh nhất kể từ giữa tháng 10/2023.
Giới phân tích nhận định, việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản hệ thống của nhà điều hành, từ đó làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Việc này sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND.
Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng trong những tuần gần đây và thanh khoản hệ thống có phần dồi dào trở lại khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.
Ngày 11/3, dù NHNN công bố tỷ giá trung tâm VND/USD giảm 24 đồng nhưng giá USD tự do vẫn tăng 220 đồng ở chiều mua vào và 350 đồng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần trước (8/3), lên mức 25.280-25.350 đồng/USD (mua vào - bán ra). Theo dữ liệu từ WiGroup, giá USD tự do bán ra đang cao nhất 5 năm trở lại đây.
Dù hôm nay giá USD tại ngân hàng quay đầu giảm sâu khoảng 100 đồng so với cuối tuần trước nhưng tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn tăng khoảng 1,4% so với cuối năm 2023 và chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 120 đồng.
Lãi suất VND liên ngân hàng lại quay đầu giảm mạnh. Theo dữ liệu mới nhất, chốt ngày 7/3, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90-95% giá trị giao dịch) về mức 1,17%/năm, giảm mạnh tới gần 3 điểm % so với đỉnh hồi giữa tháng 2.
Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và nhu cầu tín dụng đầu năm thấp.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã kích hoạt trở lại công cụ phát hành tín phiếu để điều tiết thanh khoản tiền đồng giúp hạ nhiệt tỷ giá.
Các chuyên gia dự báo tỷ giá liên ngân hàng giao dịch quanh mức 24.650 - 24.700 đồng/USD trong tuần này và có thể giảm về dưới mức 24.600 nếu công cụ tín phiếu được sử dụng.
Việc NHNN mở lại hoạt động chào thấu tín phiếu có nét tương đồng so với hồi trung tuần tháng 9/2023 khi tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực và lãi suất VND liên ngân hàng không có chiều hướng hỗ trợ.
Ngày 21/9/2023, sau hơn 6 tháng tạm ngưng, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu, khi thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN được cho là nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, từ đó đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Từ ngày 21/9-8/11/2023, NHNN đã phát hành tổng cộng 360.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày.
Từ ngày 9/11/2023, NHNN đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỷ đồng, đồng thời bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn, khi tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt.
Lý giải nguyên nhân khởi động lại kênh phát hành tín phiếu khi đó, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết: "Trong giai đoạn gần đây, NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá".
Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, tỷ giá trong nước đang chịu nhiều sức ép khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy dấu hiệu sẽ không hạ lãi suất sớm khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD-VND sẽ bị kéo dài.
Song song, xuất nhập khẩu cải thiện khiến nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tư liệu sản xuất bật tăng góp phần tạo áp lực lên giá USD trong nước. Ngoài ra, trong vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50 - 60 tấn vàng nguyên liệu/năm, gấp hơn 20 lần tổng lượng vàng khai thác trong nước. Việc nhập khẩu vàng để phục vụ nhu cầu trong nước và việc găm giữ USD khi đồng USD liên tục biến động tại thị trường trong nước lẫn thế giới đã tác động đến cung cầu trên thị trường và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Trong bối cảnh trên, động thái can thiệp của NHNN được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn