Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên liên quan kiến nghị tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế từ năm 2021 đến nay. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng (giai đoạn từ năm 2014 - 2021), từ cuối năm 2021 tới nay chênh lệch giá so với thế giới tăng cao và có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng (tương đương 25%). Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất việc thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng. |
Trước tình trạng trên, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.
Với những giải pháp triển khai, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể (ngày 25/9, chênh lệch khoảng 4 triệu đồng/lượng).
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
Ngân hàng Nhà nước tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra (theo Quyết định số 324 ngày 17/5/2024) 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch; kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự (nếu có).
Các đơn vị thanh tra gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Tín Minh Châu.
Đơn vị này cũng đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngày 11/10, giá vàng miếng SJC neo ở mức 84,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn trên mốc 83 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng BIDV vừa thông báo, nhà băng này triển khai thêm các điểm bán vàng miếng SJC tại TP. Hà Nội và TPHCM từ ngày 14/10. Mỗi người chỉ được đăng ký mua 1 lượng vàng miếng SJC. Sau khi đáp ứng đủ điều kiện và đăng ký thành công, khách hàng sẽ nhận được một mã xác nhận, thời gian và địa điểm giao dịch.