Ngân hàng qua thời NIM cao

NIM 2024 sẽ cải thiện, nhưng không tăng cao

Biên lãi ròng (NIM - Net Interest Margin) là thước đo chênh lệch giữa thu nhập lãi do ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác tạo ra và số tiền lãi trả cho người cho vay so với số tài sản của ngân hàng. Nó tương tự như tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty phi tài chính. Do đó, biến động lãi suất thị trường là một trong những yếu tố tác động trực tiếp lên NIM.

Trong năm 2023, khi khó khăn phủ bóng lên mọi mặt của nền kinh tế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai nhiều chính sách giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, kích thích tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, nhu cầu vay vốn không cao, tín dụng tăng chững lại, trong khi các kênh đầu tư trì trệ hoặc gần như đóng băng khiến gửi tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn người dân dù lãi suất chạm đáy lịch sử. Điều này khiến cho NIM của ngành ngân hàng năm 2023 sụt giảm so với năm 2022 với 23/27 ngân hàng niêm yết có NIM giảm, chỉ có 3 ngân hàng hiếm hoi cải thiện NIM trong năm 2023 là Sacombank, Nam A Bank và VietABank.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho hay, NIM của Ngân hàng đã giảm từ 5,5-5,6% về 4,4% trong năm 2023 do chi phí huy động tăng và phân khúc rủi ro cao. Tuy nhiên, chỉ tiêu này bắt đầu nhích tăng ngay từ những tháng đầu năm 2024 và dự báo sẽ còn tăng trong năm nay, nhưng không phải nhờ tăng lãi suất cho vay, mà do tiết kiệm được phí vốn khi lãi suất xuống thấp.

“Gần đây, lãi suất huy động có tăng ở một số ngân hàng nhưng chúng tôi đánh giá chỉ là tăng tạm thời. Nhìn chung, năm nay, lãi suất nằm ở mặt bằng thấp, NIM sẽ phục hồi lên 4,9-5%”, ông Vinh cho hay.

Tương tự, tăng trưởng tín dụng của Techcombank quý đầu năm 2024 đạt 6,4%, NIM cải thiện và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên ngưỡng 40,5%. Bà Lê Thanh Hằng, Cố vấn Quan hệ nhà đầu tư Techcombank cho biết, NIM của Ngân hàng có thể cải thiện trong năm 2024, nhưng chỉ ở mức tăng nhẹ so với năm 2023, do Techcombank có thể tiếp tục áp dụng xuyên suốt các chương trình hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền.

Trong khi đó, MSB cho biết, duy trì NIM ở mức 3,87% vào cuối quý I/2024. Chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) giảm xuống mức 33,6% so với mức 39,26% hồi đầu năm 2024.

Đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2024, VIS Rating cho rằng, sau một năm 2023 với kinh tế tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng cao, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ hồi phục trong năm 2024 nhờ điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn, cùng môi trường lãi suất thấp giúp cải thiện khả năng trả nợ của khách hàng và chất lượng tài sản.

Theo VIS Rating, 3 yếu tố là môi trường kinh doanh, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời sẽ cải thiện trong năm 2024, trong khi các yếu tố bộ đệm rủi ro, nguồn vốn và thanh khoản sẽ được giữ ổn định. VIS Rating đánh giá, năm 2024, NIM ngành ngân hàng sẽ cải thiện 0,2-0,3% lên mức 3,8%. Nhờ vậy, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ lên 1,7% từ mức 1,6% của năm 2023.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) dự báo, NIM ngân hàng năm 2024 sẽ cải thiện nhẹ lên mức 3,9% từ mức 3,75% của năm 2023.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, NIM sụt giảm là tình hình chung của toàn hệ thống ngân hàng trong năm qua. Lý do bởi lợi nhuận sụt giảm cả phần lợi nhuận tính theo kế hoạch cho vay lẫn lợi nhuận phải trích lập dự phòng. Theo ông Thịnh, không dễ để cải thiện NIM trong năm 2024, mà vấn đề quan trọng hơn là làm sao để khoanh nợ, giãn nợ, tính chính xác được các khoản dự trữ, đòi nợ, xóa được nợ xấu.

Cải thiện NIM bằng cách nào?

Ảnh tác giả

Không dễ để cải thiện NIM trong năm 2024, mà vấn đề quan trọng hơn là làm sao để khoanh nợ, giãn nợ, tính chính xác được các khoản dự trữ, đòi nợ, xóa được nợ xấu.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

Giới phân tích cho rằng, ngân hàng muốn cải thiện NIM chỉ có thể áp dụng công nghệ và thực tế, các ngân hàng vẫn đang theo hướng này, tối ưu hóa chi phí bằng công nghệ, đồng thời gia tăng tỷ lệ CASA.

Về chênh lệch lãi suất, hiện nay, lãi suất huy động đang nhúc nhắc tăng, trong khi lãi suất cho vay đã rất thấp xuống 5 - 6%/năm và các ngân hàng khó tăng khi thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó NIM khó tăng cao. Do đó, các ngân hàng sẽ tập trung vào tối ưu hóa chi phí vận hành. Có nghĩa là NIM vẫn không đổi, nhưng ngân hàng tiết kiệm chi phí vận hành nhiều hơn, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng CASA, từ đó lợi nhuận ngân hàng đi lên.

Chẳng hạn tại Techcombank, một trong những mục tiêu chiến lược là dẫn đầu về tỷ lệ CASA và ngân hàng này đang dành 100% nỗ lực để đạt được mục tiêu tỷ lệ CASA 55% vào cuối năm 2025 từ mức 40,5% đến cuối quý I/2024. Chính nhờ có tỷ lệ CASA lớn nên Techcombank hiện trở thành ngân hàng có NIM nằm trong tốp đầu hệ thống.

VIS Rating cho rằng, NIM ngân hàng dần được cải thiện nhờ đóng góp từ chi phí vốn của toàn ngành được điều chỉnh từ mức thấp nhanh hơn so với lãi suất đầu ra. Đồng thời, gần đây, các ngân hàng đã cải thiện được tỷ lệ CASA, từ đó hỗ trợ cho chi phí vốn. Tuy nhiên, VIS Rating cảnh báo, chi phí tín dụng trong năm nay vẫn gây sức ép cho các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ khi CASA rất mỏng, nhưng phải cạnh tranh khá gay gắt về lãi vay để giành thị phần tín dụng. Thực tế, hiện nay, không ít ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống dưới lãi suất huy động để thúc tăng tín dụng.

Hiện lãi suất huy động bắt đầu có chiều hướng gia tăng, song theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chủ yếu là do đã giảm sâu trong thời gian trước đó, dù vậy sẽ khó tăng cao cho đến cuối năm nay. Trong khi đó, lãi suất cho vay cần giảm thêm mới có thể kích cầu được tăng trưởng tín dụng. Do đó, NIM ngân hàng khó kỳ vọng ở mức cao.

Các chuyên gia phân tích của MBS cũng đánh giá, NIM năm 2024 của hầu hết các ngân hàng chỉ tăng nhẹ so với 2023 và sẽ không cao như năm 2022. Đặc biệt, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối được dự báo sẽ không có được mức tăng NIM tốt như các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trong năm nay do hoạt động dưới vai trò là những công cụ điều tiết.

Đơn cử, Agribank dành khoảng 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3%/năm trong 3 tháng đầu; chỉ từ 3,5%/năm 6 tháng tiếp theo và chỉ từ 4%/năm đối với khoản vay từ 6 - 12 tháng. Nếu so với lãi suất huy động thì mức này cũng chỉ tương đương nên khó kỳ vọng cải thiện NIM. Đáng chú ý, trong bối cảnh tín dụng ngành ngân hàng vừa mới tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3/2024 và dự báo khó có thể tăng đột biến trong năm nay.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, NIM của Ngân hàng tăng từ năm 2020 đến năm 2023, nhưng giảm sút từ đầu năm 2024 bởi tốc độ lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động vốn, nhất là từ 6 tháng cuối năm 2023 đến nay. Cơ cấu tín dụng tín dụng trung - dài hạn liên tục giảm, trong khi tín dụng ngắn hạn tăng, nhưng Vietcombank đang có giải pháp tăng tín dụng trung - dài hạn nhằm cải thiện NIM.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, hiện Chính phủ, NHNN vẫn chủ trương giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích thích cầu tín dụng. Thực tế, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chiếm thị phần lớn luôn đi đầu hưởng ứng, thực hiện các chính sách của Chính phủ, nên ngành ngân hàng khó có thể tăng lãi suất cho vay, mà vẫn tiếp tục duy trì các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên, vì vậy mức độ phục hồi NIM không mạnh. Đối với các ngân hàng thương mại tư nhân, mức phục hồi NIM có thể đạt mức cao hơn khi khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn và nhóm này tập trung cho vay bán lẻ, cho vay tiêu dùng, nên lãi vay bình quân cao hơn.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn