Ngân hàng “sáng cửa” tăng trưởng

Củng cố niềm tin

Tổng hợp số liệu kinh doanh toàn ngành ngân hàng cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế toàn ngành theo kế hoạch 2024 ước tính tăng trưởng 20% so với năm ngoái. Tổng thu nhập hoạt động kỳ vọng tăng trưởng 16% so với năm ngoái nhờ mở rộng tín dụng và NIM phục hồi khiêm tốn, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng 7% so với năm ngoái là những động lực của tăng trưởng lợi nhuận.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng có sự phân hóa đáng kể, trong đó, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng mạnh trong năm 2023 kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 khi chi phí dự phòng giảm. Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân vẫn duy trì quan điểm thận trọng khi lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong khoảng 10 - 15%.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết theo dõi sẽ tăng 23,6% trong năm 2024, dựa trên tăng trưởng tín dụng cao hơn của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước sở hữu chi phối. Bên cạnh đó, NIM đều tăng nhẹ hoặc đi ngang và đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi phục hồi nhờ hoạt động thu phí được phục hồi.

“Kinh doanh vàng và ngoại hối được dự báo có thu nhập tốt trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ những biến động gần đây”, bà Hiền nói.

Những dự báo tích cực về triển vọng của ngành ngân hàng cùng những con số lợi nhuận năm 2023 và quý I/2024 khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng có đợt tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay. Chỉ số P/B (Giá trị thị trường của cổ phiếu trên giá trị sổ sách) toàn ngành hiện tại đạt 1,66 lần, cao hơn 6,7% so với trung bình 1 năm, nhưng vẫn thấp hơn 8,7% so với trung bình 3 năm.

Trong tháng 4, VN-Index đã có nhịp điều chỉnh khá mạnh, dù vậy, chỉ số vẫn duy trì xu hướng tăng với thanh khoản ở mức cao nhất trong hai năm trở lại đây. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm ngành dịch vụ tài chính dẫn dắt đà tăng của thị trường trong 3 tháng đầu năm, nhưng đã điều chỉnh giảm trong tháng 4/2024. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn cho thấy sự lạc quan vào triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong các quý còn lại của năm 2024. Trong đó, những nhóm ngành được hưởng lợi sự phục hồi của nền kinh tế có thể kể đến là xây dựng và vật liệu xây dựng, thép, ngân hàng…

Một diễn biến đáng chú ý có liên quan trong tháng 4 và đầu tháng 5 là câu chuyện các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nhóm họp về chính sách tiền tệ và dự báo có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiền tệ Việt Nam.

Theo các chuyên gia phân tích, BOE, ECB khả năng cao sẽ tiên phong thực hiện đợt cắt giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên trong kỳ họp tháng 6. Trong khi đó, BOJ vẫn giữ thái độ “bồ câu” về mặt chính sách trong điều kiện cho phép, ít nhất cho đến khi áp lực lạm phát là đáng kể do chi phí đẩy từ việc đồng Yên mất giá quá sâu sẽ làm BOJ thay đổi quan điểm một cách nhanh chóng. Đối với Fed, những diễn biến mới nhất về giá năng lượng và “kỳ vọng lạm phát” tại Mỹ đang làm cơ quan này trở nên do dự trong việc chọn thời điểm cắt giảm lãi suất. Thị trường theo đó đã thay đổi kỳ vọng từ 6 đợt cắt giảm về còn 2 đợt cắt giảm trong năm 2024.

Nhìn chung, các ngân hàng trung ương vẫn đang muốn có một sự xác nhận rõ ràng về dữ liệu lạm phát để ra quyết định đảo chiều chính sách lãi suất. Trong khi tín hiệu đối với khối Eurozone và Anh là đã rõ ràng, tín hiệu lạm phát của Nhật đang phụ thuộc khá lớn vào triển vọng tỷ giá. Đối với Mỹ, PCE lõi, chỉ số đo lường lạm phát mà Fed tham chiếu cho quyết định lãi suất, vẫn đang duy trì ở mức khá cao so với mục tiêu 2%. Tuy nhiên, dự báo lạm phát chung PCE sẽ về ngưỡng tiệm cận quanh vùng 2% trong quý II/2024, điều này có thể khiến lập trường và tuyên bố của Fed trong các kỳ họp tới về hướng đi của lãi suất có xu hướng “bồ câu” hơn. Trong kịch bản này, các chuyên gia phân tích kỳ vọng áp lực tỷ giá USD/VND sẽ dịu lại và chính sách tiền tệ giữa các nước sẽ đồng pha hơn.

Triển vọng lạc quan

Ông Lê Hoài Ân, CFA - Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính nhận định, chính sách tiền tệ nới lỏng đã hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, khiến cho nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung cũng ghi nhận mức sinh lời tích lũy cao so với các ngành khác. Dù khối ngoại vẫn duy trì bán ròng, dòng tiền nội địa đã giúp duy trì đà tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng.

“Chỉ số ngành ngân hàng đã tăng 13% so với mức 7% của chỉ số VN-Index. Tính đến hiện tại, ngành ngân hàng thuộc nhóm ngành có mức sinh lời cao, dao động từ 15 - 20% so với đầu năm”, ông Ân nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Ân, vào tháng 4, diễn biến chỉ số ngân hàng đã kém lạc quan hơn so với ba tháng trước. Triển vọng tăng trưởng thấp và rủi ro gia tăng đã làm cho thị trường đánh giá tiêu cực hơn đối với cổ phiếu ngân hàng. Các ngân hàng cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt về mức sinh lời, phản ánh đánh giá của thị trường và khả năng tăng trưởng trong tương lai, dựa trên chiến lược khác nhau của từng ngân hàng. Thêm vào đó, trong các cuộc họp đại hội cổ đông, các ngân hàng đã đưa ra những kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn hơn so với các năm trước, điều này đã khiến cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh đáng kể trong tháng 4.

Ông Ân chỉ rõ, nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh đã có mức tăng giá tốt. Trong bối cảnh nợ xấu chưa được phản ánh đầy đủ do việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, các ngân hàng quốc doanh với tỷ lệ nợ xấu thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhận được đánh giá cao từ thị trường. So với các nhóm ngân hàng khác, nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp ghi nhận mức sinh lời cao nhất nhưng cũng có sự phân hóa lớn trong nhóm này, dựa trên định hướng chiến lược khác nhau của các ngân hàng trong việc lựa chọn phân khúc tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, theo ông Ân, trong nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân, ACB cũng duy trì mức tăng giá tốt hơn so với các ngân hàng khác nhờ duy trì được mức tăng trưởng tín dụng tốt, trong khi các ngân hàng chuyên cho vay bán lẻ khác gặp khó khăn trong việc tăng trưởng do sức cầu yếu từ thị trường. Đối với nhóm ngân hàng khác, mức sinh lời của cổ phiếu kém hấp dẫn hơn nhiều. Vấn đề của các ngân hàng này là tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo được tỷ lệ nợ xấu hợp lý. Đặc biệt là khi nhóm này không có lợi thế về chi phí vốn và điều này hạn chế khả năng lựa chọn tệp khách hàng tốt.

“Dài hạn, ngành ngân hàng vẫn chứng minh là một trong những ngành có tiềm năng tăng giá hấp dẫn. Tuy nhiên, sự phân hóa về chiến lược tăng trưởng và khả năng quản trị giữa các nhóm ngân hàng dẫn đến sự khác biệt trong mức sinh lời. Dù chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy sự phục hồi, niềm tin vào khả năng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn còn rất thận trọng. Do đó, các phân tích cơ bản vẫn đóng vai trò then chốt để có thể lựa chọn ra cơ hội đầu tư tốt”, ông Ân nhấn mạnh.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn