Ngân hàng tích cực rao bán tài sản đảm bảo nhưng vẫn khó “chốt đơn”
Khảo sát website của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện thường xuyên. Không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ dù đã giảm giá xuống rất thấp so với giá trị khoản vay; tài sản rao bán hàng chục lần vẫn chưa thoát được hàng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, nhiều ngân hàng tỷ lệ này còn lên tới 80-90%. Vì thế, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn vì nhiều lý do không trả được nợ. |
Mới đây, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank AMC) đã thông báo bán đấu giá khoản nợ 2.149,11 chỉ vàng SJC của một khách hàng cá nhân. Đây là toàn bộ khoản nợ tại Agribank Chi nhánh TPHCM theo 2 hợp đồng tín dụng từ năm 2004 và năm 2005 giữa Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM (sáp nhập nguyên trạng vào Agribank) và bà D.T.N.
Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến ngày 13/7/2023 là 2.149,11 chỉ vàng SJC, tương đương hơn 14,13 tỷ đồng (theo tỷ giá vàng ngày 13/7/2023 là 6,66 triệu đồng/chỉ). Tài sản bảo đảm liên quan đến khoản nợ là nhà, đất tại TP Thủ Đức. Agribank AMC đưa ra mức giá khởi điểm đấu giá khoản nợ 9,226 tỷ đồng chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Theo thông báo, khoán nợ được bán đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy” như người tham gia đấu giá đã được xem/giám định. Trong đó, về rủi ro tiềm ẩn, thông báo cho hay, bằng nguồn thông tin không chính thức và chưa thể xác thực, bên có khoản nợ đánh giá khả năng có các rủi ro pháp lý tiềm ẩn liên quan đến khoản nợ đấu giá như: tranh chấp giữa chủ tài sản bảo đảm với các cá nhân, tổ chức khác, các tranh chấp này khả năng đã được toà án có thẩm quyền thụ lý và đã có kết luận bằng bản án hình sự.
Có thể với những rủi ro này, khoản nợ trên nhiều lần được rao bán nhưng chưa tìm được người mua. Ngân hàng đã phải hạ giá nhiều lần, chẳng hạn vào gần 1 năm trước, giá khởi điểm khoản nợ là 14,13 tỷ đồng, đến cuối tháng 1/2024 thì giảm xuống còn 10,8 tỷ đồng… Trước đó, Agribank cũng rao bán khoản nợ hàng nghìn chỉ vàng cùng các khoản vay tín dụng khác với giá khởi điểm 45 tỷ đồng, giảm một nửa so với giá ban đầu.
Ngoài ra, bất động sản là loại tài sản thế chấp đang được các ngân hàng rao bán nhiều nhất, nhưng qua nhiều lần hạ giá vẫn chưa thể tìm được “chủ nhân” mới. Vừa qua, BIDV chi nhánh Bình Tân thông báo rao bán nhiều lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM với mức giá từ vài tỷ đồng. Trong đó có 2 lô đất tại TPHCM đã được rao bán trước đó 11 lần nhưng vẫn chưa có người mua, cùng không ít lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được rao bán nhiều lần nhưng không có ai “chốt đơn”.
Hay vào cuối tháng 5/2024, Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC) đã rao bán khoản nợ gốc và lãi của Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Thiên Nam Group) với tổng dư nợ tạm tính gần 18 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 8 lô đất tại TP Đà Nẵng và TPHCM. Trước đó, MBAMC cũng rao bán khoản nợ gốc và lãi lên tới hơn 378,2 tỷ đồng của Công ty TNHH Quan Minh với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, nhà máy…
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% so với cuối năm 2023 với 26/28 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng. Đặc biệt, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi nền kinh tế phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết, xóa các khoản nợ xấu.
Thực trạng này buộc các ngân hàng phải liên tục rao bán tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn để thu hồi nợ, nhưng kết quả thực hiện thành công còn rất hạn chế, nhất là khi thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi.
Theo nhiều đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn