Khởi sắc trong bức tranh kinh doanh
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn (mã ck: SRT) có doanh thu đạt 556 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, SRT báo lãi 32,9 tỷ đồng, tăng 24,6% so với quý I/2023.
Giải trình về kết quả kinh doanh, SRT cho biết, trong quý I, công ty đã có nhiều đổi mới về phương thức kinh doanh như xây dựng kế hoạch chạy tàu phù hợp, phương án bán vé, giá vé hợp lý, cùng với đố nhu cầu đi lại của hành khách cũng tăng cao, đặc biệt trong và sau dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Diễn biến cổ phiếu HRT trong 3 tháng gần đây với mức giá cao nhất là 8.700 đồng/cổ phiếu. Ảnh: SSI. |
Một doanh nghiệp trong ngành đường sắt khác là Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (mã ck: HRT) cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I/2024. Theo đó, HRT có doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ, đạt trên 710 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu hàng quý cao nhất trong gần 9 năm qua của HRT. Lãi sau thuế của HRT quý I tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 34 tỷ đồng.
HRT ghi nhận doanh thu vận tải hành khách và hành lý tăng gần 59 tỷ đồng, đóng góp gần 2/3 mức tăng trưởng của tổng doanh thu. Ngoài ra, công ty còn có nhiều biện pháp giúp kiểm soát chi phí, nhất là chi phí tài chính. |
Được biết, trước đó, SRT và HRT đặt mục tiêu kinh doanh khá khiêm tốn. Cụ thể, SRT đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10,76 tỷ đồng. HRT đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.563 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 12 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, SRT và HRT đều đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Bên cạnh đó, trong quý I/2024, một doanh nghiệp không niêm yết trên sàn chứng khoán là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) - đơn vị vận hành tàu chạy tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2023 tích cực.
Năm 2023, đơn vị này đạt doanh thu thuần hơn 515 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2022; lãi sau thuế hơn 13 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó chủ yếu là doanh thu trợ giá 441 tỷ đồng, chiếm gần 86%, còn lại hoạt động cung cấp dịch vụ bán vé hơn 74 tỷ đồng, chiếm 14%.
Trước đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 519 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 6 tỷ đồng. Kết thúc năm 2023, công ty đã hoàn thành 99% kế hoạch doanh thu và vượt lợi nhuận đề ra.
Chuyển biến tích cực trong năm 2024
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, ngành đường sắt đã có những chuyển biến tích cực để đẩy mạnh phát triển ngành hơn nữa trong năm 2024.
Về giá vé và lịch trình, ngành đường sắt mới có thông báo từ ngày 17/5 đến hết ngày 18/8/2024, hành khách mua vé cá nhân các đôi tàu Thống nhất SE1/SE2, SE5/SE6, SE9/SE10, SE11/SE12 trước ngày đi tàu từ 20 - 39 ngày sẽ được giảm 5% giá vé; trước từ 40 ngày trở lên được giảm 10% giá vé. Chính sách này không áp dụng với khoang bốn giường đôi tàu SE1/SE2.
Từ ngày 15/5, đường sắt cũng công bố giá vé hai đôi tàu du lịch Huế - Đà Nẵng HĐ1/HĐ2, HĐ3/HĐ4, với vé chặng suốt giữa Huế và Đà Nẵng tàu chạy các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 là 180.000 đồng/vé/lượt, thứ 7 và Chủ Nhật là 210.000 đồng/vé/lượt.
Cũng từ ngày 15/5, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thông báo các đoàn tàu sẽ chạy theo giờ tàu Hè 2024; đồng thời, mở bán vé các đoàn tàu chạy thường xuyên trong dịp hè 2024.
Ngành đường sắt có những thay đổi tích cực hướng tới phát triển ngành bền vững. Ảnh minh hoạ. |
Về những biến chuyển trong liên vận, đầu tháng 5 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chính thức chạy chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá (Hải Dương).
Đây là ga hạng 4 nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, gần các khu công nghiệp lớn của Hải Dương. Việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt cung cấp thêm giải pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á,... rút ngắn thời gian bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.
Trước đó, năm 2023, ngành đường sắt đã khai trương tàu liên vận quốc tế từ ga Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đi Trung Quốc, đánh dấu cột mốc về liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam.
Về chất lượng dịch vụ, tại thời điểm trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ngành đường sắt đã ra mắt đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng) tiếp sau thành công của tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng (SE19/20). Với nhiều thay đổi, ngành đường sắt kỳ vọng đoàn tàu chất lượng cao sẽ trở thành sản phẩm thu hút du khách trong dịp hè năm nay.
Ngoài ra, ngành đường sắt cũng phát triển thêm về việc lắp đặt wifi trên tàu phục vụ khách hàng miễn phí cũng như trang trí toa tàu theo tông mầu trắng xám và xanh với hình ảnh chim hạc trên trống đồng Đông Sơn - biểu tượng gắn liền với văn hóa Việt tạo điểm nhấn. Điều này giúp thu hút nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ đường sắt hơn nữa trong năm 2024 và đánh dấu những chuyển biến tích cực của ngành đường sắt trong công cuộc đổi mới.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm giai đoạn 2024 - 2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm; lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023 - 2025 là 327 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2022 lỗ 1.194 tỷ đồng). |