Ngành Ngân hàng năm 2024: Khó khăn vẫn chưa hoàn toàn đi qua

Nhận định trên được Công ty chứng khoán (CTCK) MB (MBS) đưa ra trong báo cáo ngành Ngân hàng vừa công bố. Báo cáo đã đưa ra bức tranh nhận định về kết quả kinh doanh toàn ngành Ngân hàng năm 2023 và dự báo năm 2024.

Tăng trưởng tín dụng thấp đi cùng NIM suy giảm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng đạt 9,15% so với đầu năm (cùng kỳ đạt 12,0%).

So với số liệu gần nhất ngày 22/11/2023 (tăng trưởng tín dụng đạt 8,21% so với đầu năm), tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã có những dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 14-15% trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm đã được dự báo từ trước, với những nguyên nhân chính, gồm: (i) Ảnh hưởng từ tổng cầu thế giới suy yếu, GDP Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% trong 9 tháng năm 2020 và 1,57% trong 9 tháng năm 2021; (ii) Thị trường bất động sản (BĐS) - vốn là khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, vẫn trầm lắng trong 9 tháng năm 2023 khi số lượng giao dịch và số lượng dự án hoàn thành xây dựng lần lượt giảm 31% và 33% so với cùng kỳ.

Tín dụng tăng trưởng thấp đã kéo theo lợi nhuận của các ngân hàng suy giảm. Báo cáo của MBS cho biết, tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ trong quý III/2023. Đà giảm có dấu hiệu chậm lại so với 2 quý đầu năm (quý II/2023 là giảm 1,5%; quý I/2023 là giảm 4,4%).

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng niêm yết giảm 2,5% so với cùng kỳ, trong đó nhóm các NHTM Nhà nước ghi nhận kết quả khả quan hơn với mức tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ; trong khi lợi nhuận nhóm các NHTM cổ phần suy giảm 9,9% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2023 của các NHTM niêm yết suy giảm chủ yếu do: (i) Tín dụng toàn ngành suy yếu (9 tháng năm 2023 tăng 6,92%, 9 tháng năm 2022 tăng 11,05%); (ii) Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành giảm 86,5 điểm cơ bản so với cùng kỳ (quý III/2023 tăng 4,67%, quý III/2022 tăng 3,8%); (iii) Chi phí hoạt động và chi phí trích lập dự phòng tăng lần lượt 7,7% và 5,4% so với cùng kỳ.

Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết chỉ đạt 12,0% so với cùng kỳ (trong khi đó, 9 tháng năm 2022 tăng 18,1%) do suy giảm cầu của toàn nền kinh tế cùng với NIM suy giảm mạnh trong nửa đầu năm khi lãi suất huy động tiền tệ tăng cao khiến thu nhập lãi thuần (NII) của các ngân hàng giảm tốc.

NII 9 tháng năm 2023 toàn ngành chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ (trong khi 9 tháng năm 2022 tăng 22,1%). Dự báo, NIM cả năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với 2022.

Ngoài ra, các hoạt động thu ngoài lãi như: thu từ phí (NFI) và bancassurance suy giảm theo nhu cầu tín dụng, cũng khiến thu nhập ngoài lãi giảm nhẹ 3,0% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2022 tăng 21,3%).

Mặc dù hoạt động tín dụng còn tương đối chậm nhưng việc duy trì các hoạt động chuyển đổi số nhằm giữ chân khách hàng cũng như đẩy mạnh các hoạt động thu ngoài lãi như: Kinh doanh ngoại hối, thu hồi nợ và đầu tư chứng khoán, khiến chi phí hoạt động tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng 536 điểm cơ bản so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023.

Triển vọng 2024: Áp lực trích lập dự phòng vẫn còn lớn

Trong báo cáo, các chuyên gia MBS đánh giá, kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc, có thể kể đến như: (i) Tăng trưởng GDP đang thể hiện xu hướng tích cực (quý I/2023 tăng 3,28%, quý II/2023 tăng 4,05%, quý III/2023 tăng 5,33%); (ii) Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị định 10/2023/NĐ-CP với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản và phát triển nhà ở xã hội góp phần thúc đẩy tín dụng cho thị trường bất động sản; (iii) Lãi suất cho vay giảm mạnh kích thích nhu cầu tín dụng.

Các chuyên gia MBS kỳ vọng: “Tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt 13-14%, với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,9%”.

Hiện tại, lãi suất huy động toàn ngành đang thấp hơn mức đáy trong giai đoạn dịch COVID-19, mặc dù lãi suất điều hành vẫn cao hơn 50 điểm cơ bản.

Thống kê đến ngày 14/12/2023, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng của nhóm NHTM nhà nước và NHTM cổ phần lần lượt là 4,9%/năm và 5,1%/năm, thấp hơn mức lãi suất huy động thấp nhất cùng kỳ hạn trong giai đoạn COVID-19 lần lượt là 5,5%/năm và 5,6%/năm. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vốn của các NHTM trong thời gian tới.

Trong bối cảnh các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp giúp nền kinh tế tiếp cận được vốn vay tín dụng, các chuyên gia MBS cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố bắt buộc phải được duy trì trong ít nhất 6 - 9 tháng tới. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng có thể gia tăng NIM.

Tuy nhiên, với chủ trương hỗ trợ nền kinh tế, việc giảm lãi suất cho vay đầu ra cũng sẽ là yếu tố then chốt để giúp các NHTM có thể: (i) Nhận được hạn mức tín dụng cao từ Ngân hàng Nhà nước; (ii) Gia tăng cạnh tranh trong bối cảnh nhu cầu tín dụng chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.

“NIM năm 2024 của hầu hết các ngân hàng chỉ tăng nhẹ so với năm 2023 và sẽ không cao như cả năm 2022. Đặc biệt, nhóm NHTM nhà nước được dự báo sẽ không có được mức tăng NIM tốt như các NHTM cổ phần trong năm 2024 do hoạt động dưới vai trò là những công cụ điều tiết”, MBS kỳ vọng.

Trong năm 2024, rủi ro suy giảm chất lượng tài sản đối với các ngân hàng vẫn lớn. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tại thời điểm quý III/2023 đạt 2,2%, tăng 64 điểm cơ bản so với năm 2022 và là mức NPL cao nhất từ năm 2015.

Hầu như tất cả các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng tại thời điểm quý III/2023 so với đầu năm và các quý liền trước. Số liệu từ MBS cho thấy, trung bình, các NHTM nhà nước có mức tăng 0,4% so với đầu năm, con số này ở nhóm NHTM cổ phần là 0,7%.

Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, ghi nhận 93,8% (năm 2022 là 136,9%). LLR của nhóm NHTM nhà nước cao hơn đáng kể so với nhóm NHTM cổ phần.

Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giãn nợ đã giúp tỷ lệ nợ xấu và sự sụt giảm LLR giảm tốc. NPL toàn ngành tăng mạnh từ 1,4% cuối năm 2022 lên 2,1% cuối quý II/2023 nhưng chỉ tăng 10 điểm cơ bản trong quý III/2023. LLR giảm hơn 21% trong 6 tháng năm 2023 nhưng chỉ giảm 5,8% trong quý III/2023.

Các chuyên gia MBS chúng tôi kỳ vọng NPL toàn ngành sẽ tăng nhẹ 10-20 điểm cơ bản và đạt đỉnh trong quý IV/2023.

Ngoài ra, việc sử dụng một lượng lớn trích lập dự phòng trong 9 tháng năm 2023 để xử lý nợ xấu cũng góp phần giúp NPL các ngân hàng suy giảm.

“Áp lực trích lập dự phòng được dự báo vẫn sẽ lớn trong năm 2024. Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn ngành đang có xu hướng tích cực (quý I/2023 tăng 16,1% nhưng 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 5,4%) nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể”, báo cáo của MBS viết.

Nguyên nhân được MBS đưa ra đến từ việc dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan, do đó, khi hiệu lực của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30/6/2024 (đang được NHNN cân nhắc gia hạn) áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

“Tuy nhiên, áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn, và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn”, báo cáo của MBS nhấn mạnh.

Theo Đoàn Hằng/thitruongtaichinhtiente.vn

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn